Trung tâm giám sát điều hành thông minh TP. Yên Bái
Lợi ích kép
Một người dân trực tiếp trải nghiệm việc làm căn cước công dân tại Bộ phận phục vụ hành chính công TP. Yên Bái cho hay, sau khi mất vài phút để làm căn cước công dân, anh tranh thủ sang cửa bên cạnh để làm thủ tục chuyển tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều bất ngờ là anh chỉ mất chưa đến 10 phút, mọi thủ tục được liên thông và giải quyết, không phải chờ đợi mỏi mòn như trong hình dung của anh.
Là người thường xuyên thực hiện các thủ tục hành chính như làm hồ sơ thành lập doanh nghiệp, đăng ký đất đai, thủ tục vay vốn, chị Nguyễn Thị Hồng Phúc (thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên) đã được cán bộ tại Bộ phận phục vụ hành chính công huyện tạo tài khoản công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia qua số điện thoại. Tài khoản tích hợp mọi thông tin cá nhân nên chị Phúc có thể thực hiện thủ tục hành chính tại nhiều tỉnh, thành phố mà không cần khai lại thông tin. Theo lời chị Phúc, với tài khoản được tạo, chị có thể theo dõi toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính của mình tại nhà trên thiết bị di động hoặc máy tính, đồng thời dễ dàng thực hiện một số thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến.
Hiện mỗi ngày trung bình Bộ phận phục vụ hành chính công huyện Trấn Yên tiếp nhận và giải quyết trên 100 hồ sơ, thủ tục hành chính của công dân. Để rút ngắn thời gian chờ đợi, các cán bộ tại đơn vị đã có tài khoản và được đăng ký chữ ký số để thực hiện số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, đơn vị còn lắp đặt màn hình điện tử hiển thị thông tin về tình hình giải quyết hồ sơ, máy lấy số thứ tự, hệ thống xếp hàng tự động, thiết bị tra cứu thông tin để người dân nắm được quá trình xử lý. Những lợi ích mà người dân được hưởng thời gian qua chính là thành quả minh chứng rõ ràng nhất cho hiệu quả công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra trên địa bàn tỉnh.
Một dấu mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi số tại Yên Bái là ngày 9/10, sau hơn 2 tháng phối hợp với VNPT triển khai thực hiện, Trung tâm giám sát, điều hành thông minh TP. Yên Bái (IOC TP. Yên Bái) đã hoàn thành giai đoạn I. Thời gian tới, VNPT tiếp tục hỗ trợ để IOC TP. Yên Bái vận hành ổn định và phát huy hiệu quả, tiếp tục hoàn thành các hạng mục của giai đoạn II và giai đoạn III, từ đó góp phần cùng với tỉnh Yên Bái hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Kỳ vọng phấn đấu đến năm 2025, Yên Bái cơ bản hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từng bước hoàn thành chuyển đổi số với những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực quan trọng trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Mục tiêu cuối cùng của hệ thống chính quyền trong chuyển đổi số là hướng tới người dân, có chính quyền số để tạo ra công dân số.
Yên Bái phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh |
Ưu tiên các lĩnh vực trọng điểm
Yên Bái là một trong những tỉnh sớm triển khai đồng bộ Trung tâm phục vụ hành chính công từ cấp tỉnh, huyện, xã và triển khai Đề án Xây dựng mô hình đô thị thông minh, lấy dân làm gốc. Giai đoạn 2018-2019, 100% trung tâm phục vụ hành chính công 3 cấp đã được thành lập và là đầu mối thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc việc giải quyết thủ tục hành chính và trả kết quả cho cá nhân, tổ chức, thực hiện theo nguyên tắc 4 tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả ngay tại Trung tâm). Các trung tâm hoạt động trên cơ sở điều kiện cần thiết gồm những yếu tố như tổ chức, bộ máy; trụ sở làm việc; trang thiết bị, máy móc; xây dựng Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin điện tử một cửa tỉnh Yên Bái.
Mục tiêu mà Yên Bái đặt ra là xếp vào nhóm 30/63 tỉnh, thành phố của cả nước về chuyển đổi số. Để làm được điều này, tỉnh Yên Bái sẽ phải triển khai đồng bộ các giải pháp về nguồn lực kinh tế, nhân lực và sự đồng thuận xã hội. Các giải pháp cụ thể được tỉnh đặt ra là ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển và khuyến khích các doanh nghiệp lớn, có truyền thống đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, thương mại.
Phát triển 3-5 doanh nghiệp công nghệ số điển hình, từng bước hình thành hệ thống doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh nhằm góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Hỗ trợ, tư vấn cho 5-10 doanh nghiệp xây dựng mô hình điểm về doanh nghiệp chuyến đổi số phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, tỉnh Yên Bái cũng sẽ phối hợp tổ chức và tham gia các sự kiện thương mại điện tử thường niên mang tính kích cầu và mở rộng cho hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Tạo môi trường cho các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và môi trường cho các mô hình thương mại điện tử tiên tiến để người tiêu dùng trải nghiệm, xây dựng thói quen, kỹ năng thương mại điện tử mới. Tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp thương mại điện tử với doanh nghiệp sản xuất theo từng ngành hàng nhằm tạo thêm các chuỗi liên kết mới.
Về ưu tiên cụ thể, theo lãnh đạo tỉnh Yên Bái, chuyển đổi số sẽ hướng trọng tâm tới các lĩnh vực như y tế, giáo dục, kế hoạch, tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải, logistics, du lịch… Đối với lĩnh vực y tế sẽ ưu tiên triển khai sử dụng rộng rãi các hệ thống hỗ trợ khám, chữa bệnh thông minh với bệnh án điện tử tại các bệnh viện. Triển khai phần mềm quản lý hoạt động các trạm y tế có kết nối với các bệnh viện tuyến tỉnh để làm cơ sở cho khám chữa bệnh từ xa. Mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 25% cơ sở khám chữa bệnh tại tỉnh Yên Bái có dịch vụ chăm sóc, khám, chữa bệnh từ xa.
Với lĩnh vực giáo dục là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và các nền tảng số để đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học; kết hợp học trên lớp và học trực tuyến; kiểm tra, đánh giá kết quả dạy và học với các nền tảng giáo dục mới.
Trong lĩnh vực kế hoạch, tài chính, ngân hàng, Yên Bái sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cách mạng 4.0 để nâng cao năng lực chỉ đạo, quản lý, điều hành trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân sách nhà nước. Thực hiện quản lý điều hành theo các chi tiêu KPI trong lĩnh vực kế hoạch, tài chính. Phân tích, dự báo để giúp các nhà quản lý điều hành một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Bên cạnh đó, hỗ trợ các ngân hàng thương mại thực hiện những nội dung liên quan đến ngân hàng số trên địa bàn. Đưa dịch vụ tài chính - ngân hàng đến gần hơn những đối tượng vùng sâu, vùng xa chưa có khả năng tiếp cận hoặc chưa được ngân hàng phục vụ dựa vào sự đổi mới sáng tạo của công nghệ như thanh toán di động, cho vay.
Hiệu quả của quá trình chuyển đổi số là người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng nền hành chính hiện đại. Điều này được chứng minh qua việc năm 2020, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tỉnh Yên Bái xếp hạng thứ 24/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 6 trong vùng trung du miền núi phía Bắc. Kết quả Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) của tỉnh Yên Bái đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 3 trong vùng trung du miền núi phía Bắc.