Hội thảo tham vấn đối với dự thảo Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: Đức Trung)

Hội thảo tham vấn đối với dự thảo Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: Đức Trung)

Yên Bái kiên trì thực hiện triết lý phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”

0:00 / 0:00
0:00
Đây là khẳng định của Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy tại Hội thảo tham vấn đối với dự thảo Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chiều 30/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo tham vấn đối với dự thảo Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những công cụ quan trọng để huy động mọi nguồn lực, lợi thế đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh, phát triển hạ tầng trên toàn tỉnh; là cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển 5 năm, 10 năm và hàng năm của địa phương theo từng cấp độ quản lý.

Theo Dự thảo Quy hoạch, mục tiêu phát triển được đặt ra đến năm 2025, tỉnh Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc; đến năm 2030, tỉnh Yên Bái nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; đến năm 2050, Yên Bái là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá của cả nước, đạt được mục tiêu phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.

Các trụ cột tăng trưởng: gồm công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; kinh tế dịch vụ và khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Dự thảo Quy hoạch đưa ra 3 kịch bản phát triển, trong đó, tỉnh Yên Bái lựa chọn kịch bản phát triển với tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2025 là 7,5%, giai đoạn 2026 - 2030 là 9,5%/năm.

Để đạt được kịch bản phát triển này, Dự thảo Quy hoạch đưa ra các khâu đột phá thúc đẩy tăng trưởng tỉnh Yên Bái gồm: 2 trung tâm động lực tăng trưởng (TP. Yên Bái và phụ cận; thị xã Nghĩa Lộ và phụ cận); 3 vùng kinh tế (trung tâm, phía Tây, phía Đông); 4 trụ cột tăng trưởng; 6 trục liên kết động lực; 12 ý tưởng đột phá.

Trong đó, công nghiệp tập trung vào phương thức sản xuất bền vững, có giá trị cao hơn trong chế biến lâm sản, vật liệu xây dựng; du lịch với trải nghiệm phong phú về văn hóa và các dịch vụ gắn với cảnh quan thiên nhiên, di sản, danh lam thắng cảnh quốc gia; kinh tế dịch vụ, được hỗ trợ bởi các trụ cột du lịch và công nghiệp chế biến chế tạo; nông nghiệp hữu cơ và chất lượng cao, được hỗ trợ bởi các phương pháp canh tác hiện đại, công nghệ và đầu vào cao cấp.

Để hiện thực hóa Quy hoạch, tỉnh Yên Bái dự kiến huy động vốn đầu tư phát triển cho kỳ quy hoạch là 275 nghìn tỷ đồng. Tập trung ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông, khu/cụm công nghiệp và 4 cụm ngành quan trọng - trụ cột tăng trưởng.

Ngoài ra, Dự thảo Quy hoạch cũng đưa ra các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, môi trường và khoa học công nghệ, quản lý và kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn,... Đặc biệt, Dự thảo Quy hoạch cũng đưa ra cơ chế, chính sách liên kết phát triển có sự phối hợp với các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu và Hà Nội...

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy khẳng định, tỉnh Yên Bái kiên trì thực hiện triết lý phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. (Ảnh: Đức Trung)
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy khẳng định, tỉnh Yên Bái kiên trì thực hiện triết lý phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. (Ảnh: Đức Trung)

Theo ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, tỉnh Yên Bái kiên trì thực hiện triết lý phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, đảm bảo không mẫu thuẫn với các chỉ tiêu về tăng trưởng.

Để đạt mục tiêu này, ông Duy cho biết, tỉnh đã có kế hoạch nâng cao chỉ số hạnh phúc theo từng năm; khơi dậy khát vọng vươn lên, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa và xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.

Yên Bái xác định trụ cột tăng trưởng là tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, kinh tế dịch vụ; nông lâm nghiệp thủy sản; xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn và hệ sinh thái đa dạng; tâp trung phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, phát triển du lịch theo hướng khám phá thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng. Yên Bái sẽ chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp gắn với không gian phát triển chung của tỉnh.

Tin bài liên quan