Yên Bái nổi tiếng với ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển toàn diện trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của một tỉnh miền núi với độ che phủ rừng trên 60%, Yên Bái đang tiến bước vững chắc thành tỉnh phát triển khá của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Tầm nhìn chiến lược
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1421/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu đến năm 2030, Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, với lâm nghiệp, nông nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; là tỉnh hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước, điển hình về giảm nghèo bền vững với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.
Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái cho biết, quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp tỉnh Yên Bái sử dụng để hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; là cơ sở khoa học và thực tiễn để triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Với tầm nhìn trở thành một tỉnh phát triển của vùng trung du và miền núi phía Bắc, chiến lược phát triển của Yên Bái là phát triển nhanh và bền vững; tăng trưởng nhanh về kinh tế và ổn định xã hội, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, gắn với bảo vệ môi trường; loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở phát triển của tỉnh; tạo sự phát triển hài hòa, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Mục tiêu đến năm 2030, Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. |
Hành động thực tế
Những năm qua, Yên Bái đã có những bước tiến vững chắc trên con đường phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Đời sống người dân đã có nhiều thay đổi. Trong mắt bạn bè cả nước, Yên Bái đã được biết đến là nơi du lịch trải nghiệm lý thú với những lễ hội văn hóa Mường Lò, khu danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng”, Lễ hội Đền Đông Cuông, suối nước nóng Trạm Tấu, các sản phẩm du lịch cộng đồng, homestay...
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 6,64%/năm, cao hơn giai đoạn trước (5,71%/năm).
GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt trên 42 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.
Ước tính năm 2020, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21,13% (giảm 4,48% so với năm 2015); công nghiệp - xây dựng chiếm 26,88% (tăng 1,43%); dịch vụ chiếm 47,21%.
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng trên phạm vi toàn tỉnh và đạt kết quả tương đối toàn diện, trở thành điểm sáng trong số các tỉnh vùng Tây Bắc
Cụ thể, Yên Bái đã hình thành, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao sản có quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực như quế (gần 78.000 ha), măng tre Bát Độ (trên 6.600 ha), sơn tra (gần 10.000 ha), lúa đặc sản chất lượng cao (3.000 ha), vùng trồng dâu nuôi tằm (gần 1.000 ha), vùng cây ăn quả (gần 10.000 ha), chè (trên 8.000 ha), vùng gỗ nguyên liệu (trên 220.000 ha)…
Sẵn sàng mục tiêu mới
Theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, ông Đỗ Đức Duy, mặc dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế như nguồn lực trong nước hạn hẹp, nhu cầu lớn về nguồn lực cho đầu tư phát triển cũng như bảo đảm an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh… nhưng Yên Bái đã sẵn sàng cho bước đường phát triển mới.
Những năm qua, Yên Bái đã có những bước tiến vững chắc trên con đường phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Đó là phát triển nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế và có sức cạnh tranh cao; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Yên Bái đã trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.
Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản; coi phát triển nông nghiệp hiệu quả cao là trọng tâm; ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến và phát triển thị trường là khâu đột phá; triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 4,5%/năm.
Chuyển đổi dần diện tích trồng lúa, ngô hiệu quả thấp sang trồng các loại cây chủ lực, đặc sản, có giá trị kinh tế cao; phát triển chăn nuôi theo hướng hình thành các vùng chăn nuôi hàng hóa tập trung, áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng (VietGAP, GlobalGAP). Phát triển lâm nghiệp bền vững theo hướng đa mục tiêu: kinh tế, xã hội và môi trường, hình thành các vùng trồng tập trung có giá trị kinh tế cao.
“Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững, theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập"; bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chủ động ứng phó thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng vào năm 2030”, ông Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.