Trong phiên giao dịch thứ Năm, phố Wall mở cửa trong sắc đỏ khi giới đầu tư chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen. Sau đó, đà giảm được nới rộng dần khi bà Yellen lại đề cập tới việc tăng lãi suất trong năm nay.
Trong bài phát biểu của mình tại Đại học Massachusetts, bà Yellen cho biết, Fed sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào cuối năm nay khi lạm phát đang ở mức ổn định và kinh tế Mỹ đủ mạnh để tạo công ăn việc làm.
Cũng theo Chủ tịch Fed, trong cuộc họp vừa qua, phần lớn các thành viên của Ủy ban Thị trường mở (FOMC), trong đó có cả bản thân bà kỳ vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới đủ mạnh để tạo ra việc làm ở mức tối đa và giữ lạm phát ở mức ổn định. Nếu đạt được mục tiêu này, lãi suất sẽ tăng vào cuối năm nay và sẽ thắt chặt dần sau đó.
Tuy nhiên, về cuối phiên, nhờ sự hồi phục của giá dầu, đẩy nhóm cổ phiếu năng lượng tăng trở lại đã giúp đà giảm của phố Wall hãm bớt.
Kết thúc phiên 24/9, chỉ số Dow Jones giảm 78,57 điểm (-0,48%), xuống 16.201,32 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,52 điểm (-0,34%), xuống 1.932,24 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 18,27 điểm (-0,38%), xuống 4.734,48 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, cổ phiếu Volkswagen tiếp tục hồi phục sau sự ra đi của Giám đốc điều hành giúp chứng khoán khu vực ổn định trở lại. Tuy nhiên, sau đó bài phát biểu của Chủ tịch Fed đã khiến giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu giật mình, đẩy các chỉ số đồng loạt đảo chiều giảm khá mạnh trong phiên thứ Năm, đánh mất gần hết những gì đã có được trong phiên trước đó.
Kết thúc phiên 24/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 70,75 (-1,17%), xuống 5.961,49 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 184,98 điểm (-1,92%), xuống 9.427,64 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 85,59 điểm (-1,93%), xuống 4.347,24 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 3 ngày đã lao dốc mạnh xuống mức thấp nhất 2 tuần do giới đầu tư lo lắng về suy yếu kinh tế toàn cầu sau khi chỉ số PMI của Trung Quốc, Mỹ và châu Âu được công bố.
Ngoài ra, chỉ số giá của Nhật Bản lại giảm trở lại lần đầu tiên sau 2 năm Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thực hiện chính sách kích thích kinh tế cũng khiến giới đầu tư lo lắng về nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này và tháo chạy khỏi chứng khoán.
Lo lắng về triển vọng kinh tế toàn cầu cũng khiến chứng khoán Hồng Kông tiếp tục giảm điểm, trong khi chứng khoán Trung Quốc đảo chiều trở lại sau phiên giảm mạnh trước đó.
Kết thúc phiên 24/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 498,38 điểm (-2,76%), xuống 17.571,83 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 206,93 điểm (-0,97%), xuống 21.302,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 26,8 điểm (+0,86%), lên 3.142,69 điểm.
Lo lắng bao trùm giới đầu tư chứng khoán, đã khiến vai trò trú ẩn an toàn của vàng được nâng lên, giúp giá kim loại quý này tăng mạnh trong phiên thứ Năm, lên mức cao nhất 5 tuần. Ngoài ra, giới đầu tư tìm thấy triển vọng nên đã đẩy mạnh mua vào cũng là yếu tố giúp giá vàng tăng mạnh.
Kết thúc phiên 24/9, giá vàng giao ngay tăng 23,8 USD (+2,11%), lên 1.154,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 22,3 USD (+1,97%), lên 1.153,8 USD/ounce.
Trên thị trường dầu thô, giá dầu hồi phục trở lại sau phiên giảm mạnh trước đó nhờ thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm. Tuy nhiên, mức tăng bị hạn chế do ảnh hưởng từ sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán.
Kết thúc phiên 24/9, giá dầu thô Mỹ tăng 0,43 USD/thùng (+0,96%), lên 44,91 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,42 USD (+0,87%), lên 48,17 USD/thùng.