Cuộc rút lui của cổ đông lớn
Ngày 28/7/2021, bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã bán ra 251.600 cổ phiếu YEG, giảm tỷ lệ sở hữu tại Yeah1 từ 21,61% về còn 20,8%. Trước đó, trong giai đoạn 24/5/2021 đến 23/6/2021, bà Phương đăng ký bán ra 4 triệu cổ phiếu YEG nhưng vẫn chưa công bố kết quả giao dịch.
Theo báo cáo kết quả giao dịch của cổ đông lớn Yeah1, ngày 17/2/2020, bà Phương mua vào 1,63 triệu cổ phiếu YEG; ngày 18/12/2020, mua vào 1,42 triệu cổ phiếu và ngày 19/12/2020 mua vào 3 triệu cổ phiếu. Tính theo mức giá đóng cửa tại ngày giao dịch, ước tính, sau 3 lần mua, bà Phương đã bỏ ra 282,68 tỷ đồng, tương ứng giá mua trung bình là 46.724 đồng/cổ phiếu để mua thêm hơn 6 triệu cổ phiếu YEG.
Trước khi trở thành cổ đông lớn, bà Phương nắm giữ 708.410 cổ phiếu, chiếm 2,26% vốn điều lệ tại Yeah1.
Tính theo giá đóng cửa của cổ phiếu YEG trong phiên 28/7/2021, ước tính, bà Phương đã lỗ 67,8% khi thực hiện bán ra 251.600 cổ phiếu, tương ứng gần 8 tỷ đồng.
Giao dịch mua vào của bà Phương diễn ra khi Tân Hiệp Phát và Yeah1 công bố ký kết thỏa thuận hợp tác về việc phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ sinh thái công nghệ truyền thông số của Yeah1.
Thời điểm đó, phía Tân Hiệp Phát kỳ vọng hợp tác này có thể giúp Tập đoàn tiếp cận sâu hơn với đối tượng khách hàng trẻ và triển khai các chương trình marketing đột phá. Còn phía Yeah1 cho biết, với sự tham gia của cổ đông chiến lược, Công ty sẽ tiếp tục phát triển và ra mắt nhiều sản phẩm công nghệ mới…
Động thái đăng ký bán ra 4 triệu cổ phiếu và chính thức bán ra 251.600 cổ phiếu YEG của bà Trần Uyên Phương cho thấy dấu hiệu rút lui của Tập đoàn Tân Hiệp Phát tại Yeah1. Việc cổ đông lớn cắt lỗ chỉ sau hơn 1 năm tham gia vào doanh nghiệp càng gieo thêm nghi ngại cho nhà đầu tư về tình hình nội tại của Yeah1.
Trước đó, thay vì mua vào để “đỡ giá” cổ phiếu như cách mà các doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp thường làm khi thị giá cổ phiếu rơi mạnh (mất trên 90% giá trị so với khi mới lên sàn) thì ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Hội đồng quản trị Yeah1 đã bán ra 5,05 triệu cổ phiếu YEG vào tháng 2/2020 và tiếp tục bán thêm 250.000 cổ phiếu vào tháng 4/2021. Bản thân Yeah1 cũng thực hiện bán ra toàn bộ 1,77 triệu cổ phiếu quỹ từ 7/10/2020 - 12/10/2020.
YEG là một trường hợp gây chú ý trên sàn chứng khoán, từ mức giá 321.000 đồng/cổ phiếu khi mới chào sàn (xác lập vào ngày 27/6/2018), đến phiên 11/8/2021, tức sau hơn 3 năm, cổ phiếu này chỉ còn được giao dịch ở mức giá 17.400 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm 94,6%.
Lợi nhuận lao dốc, dòng tiền cạn dần
Mặc dù đã là giữa tháng 8/2021, nhưng Yeah1 vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2021. Được biết, doanh nghiệp đã xin phép cơ quan quản lý thị trường chứng khoán được gia hạn tới ngày 20/8/2021. Việc chậm công bố báo cáo tài chính là một chỉ báo kém tích cực về kết quả kinh doanh quý II cũng như nửa đầu năm của Công ty.
Ngoại trừ năm đầu tiên lên niêm yết Công ty báo lãi tích cực với 208 tỷ đồng thì các năm sau đó đều thua lỗ nặng. Năm 2019, Công ty lỗ 383 tỷ đồng; năm 2020 lỗ thêm 243 tỷ đồng. Trong năm 2020, doanh nghiệp đã sử dụng một phần thặng dư vốn cổ phần để xoá lỗ luỹ kế. Quý đầu năm nay, Công ty tiếp tục lỗ thêm 53 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 265 tỷ đồng và Công ty tiếp tục lên kế hoạch dùng thặng dư vốn cổ phần để xoá lỗ luỹ kế.
Tính tới 31/3/2021, lượng tiền mặt và đầu tư tài chính của Yeah1 tiếp tục giảm thêm 10,1 tỷ đồng so với hồi đầu năm, về còn 49 tỷ đồng.
Được biết, lượng tiền và đầu tư tài chính đỉnh điểm năm 2018 là 1.111,2 tỷ đồng, chủ yếu dòng tiền phát sinh từ việc huy động vốn của cổ đông hiện hữu trong năm 2018. Tuy nhiên, sau đó, do liên tục trải qua giai đoạn lỗ kéo dài, phải dùng thặng dư vốn để xóa lỗ lũy kế và đầu tư mở rộng nên dòng tiền hao hụt dần.
Trong năm 2021, Yeah1 kỳ vọng mảng truyền thông kỹ thuật số (media digital) sẽ có lãi và sẽ IPO giảm sở hữu từ 90% về 51% để bổ sung dòng tiền cho công ty mẹ.
Có thể thấy, sau khi tiêu gần hết số tiền huy động được từ cổ đông vào năm 2018, Yeah1 tiếp tục lên kế hoạch IPO một công ty con ngay khi công ty này có lãi.
Nếu kế hoạch IPO thực hiện thành công, Yeah1 sẽ được bổ sung cho dòng tiền đang cạn dần. Tuy vậy, việc Yeah1 liên tục kinh doanh thua lỗ kể từ khi lên sàn và giá cổ phiếu lao dốc không phanh sẽ khiến giới đầu tư thận trọng hơn với đợt IPO công ty con của Yeah1 tới đây.
Thực tế, không chỉ thời điểm chuẩn bị lên sàn, Yeah1 đưa ra những mục tiêu, kế hoạch to tát, mà mỗi mùa đại hội cổ đông thường niên, lãnh đạo Công ty đều “cam kết năm nay đưa công ty trở lại cuộc đua với tốc độ nhanh và tính toán chu đáo hơn”, nhưng đều không thực hiện được. Vì thế, niềm tin vào triển vọng phục hồi của Yeah1 dần mai một và khó có thể đảm bảo cho một kế hoạch huy động vốn mới thành công.
Nếu kế hoạch xoá khoản lỗ luỹ kế năm 2020 được thực hiện, ước tính khoản mục thặng dư vốn cổ phần sẽ giảm xuống 553,62 tỷ đồng.
Việc sử dụng thặng dư vốn để xoá lỗ luỹ kế giúp khoản mục lợi nhuận sau thuế luỹ kế của doanh nghiệp tăng lên, nhưng làm khoản thặng dư vốn cổ phần giảm đi một khoản tương ứng và tổng vốn chủ sở hữu không thay đổi. Đây là giải pháp tình thế mà các doanh nghiệp kinh doanh khó khăn sử dụng để làm sạch bảng cân đối kế toán.
Tuy vậy, điều đó không làm thay đổi được các hệ số tài chính quan trọng của doanh nghiệp như nợ trên vốn chủ sở hữu, nợ trên tổng nguồn vốn, hiệu quả sử dụng vốn (ROE), hiệu quả sử dụng tài sản (ROA)…, vốn là các chỉ tiêu quan trọng khi ngân hàng, đối tác xem xét đầu tư, cho vay.
Hơn thế, dù “lỗ lũy kế tới đâu, xóa tới đó”, nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc của Yeah1 vẫn hiện hữu. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bị huỷ niêm yết bắt buộc nếu lỗ 3 năm liên tiếp hoặc số lỗ luỹ kế vượt vốn điều lệ của doanh nghiệp.