Yeah1: Bấp bênh kỳ vọng vào triển vọng hồi phục

Yeah1: Bấp bênh kỳ vọng vào triển vọng hồi phục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tham vọng của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (mã chứng khoán YEG) thì lớn, nhưng thực hiện được bao nhiêu là câu hỏi lớn không kém.

Dòng tiền liên tục suy yếu

Trước mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III, giới đầu tư đang chờ đợi xem Yeah1 có khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm là 125 tỷ đồng đã đặt ra hay không, khi mà con số lợi nhuận nửa đầu năm là không đáng kể.

Thông tin đáng chú ý là Yeah1 vừa thông báo bán hơn 1,77 triệu cổ phiếu quỹ, với giá chào bán dự kiến từ 35.000 - 85.000 đồng/cổ phiếu. Một biên độ giá khá rộng.

Theo ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Hội đồng quản trị Yeah1, việc Hội đồng quản trị Công ty để biên độ giá rộng như vậy để thuận tiện cho việc bán cổ phiếu quỹ.

“Doanh nghiệp sẽ tìm đối tác để bán cổ phiếu quỹ với giá cao nhất có thể. Bởi vì thị giá chưa phản ảnh đúng giá trị của doanh nghiệp, còn các đối tác có thể nhận ra giá trị của Yeah1”, ông Tống nói.

Trên sàn, cổ phiếu YEG đang được giao dịch ở vùng giá 49.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mức giá vốn trung bình của cổ phiếu quỹ là 79.869 đồng/cổ phiếu.

Việc để biên độ giá giao dịch cổ phiếu quỹ lớn để ngỏ cả hai khả năng: Yeah1 có thể bán cổ phiếu quỹ với giá hòa vốn hoặc có thể tăng thặng dư một chút, nhưng cũng có thể bán dưới giá vốn. Nếu bán theo thị giá hiện tại thì Yeah1 phải ghi nhận giảm thặng dư vốn.

Dù bán với giá nào thì động cơ của việc bán cổ phiếu quỹ cũng xuất phát từ áp lực dòng tiền.

Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp báo cáo dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm tới 170,3 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước chỉ âm nhẹ 7,1 tỷ đồng. Nguyên nhân là tiền nằm ở các khoản phải thu, tồn kho, các khoản phải trả…

Để bù đắp dòng tiền kinh doanh chính cũng như trả bớt nợ vay, Yeah1 đã phải rút lượng tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng, lượng tiền và đầu tư tài chính giảm mạnh tới 68,6%, tương ứng giảm 422,7 tỷ đồng về còn 193,5 tỷ đồng so với đầu năm.

Nhìn rộng hơn, từ thời điểm Yeah1 lên sàn (vào ngày 26/6/2018) tới 30/6/2020, tổng tài sản của Công ty liên tục suy giảm khá mạnh.

Nếu như năm 2018, tổng tài sản là 1.961,8 tỷ đồng thì tới 30/6/2020 chỉ còn 1.220,3 tỷ đồng, giảm gần 38% so với năm 2019.

Trong đó, lượng tiền và đầu tư tài chính có sự suy giảm đáng kể, từ 1.111,2 tỷ đồng về chỉ còn 193,5 tỷ đồng, giảm tới 82,6% so với năm 2018. Các khoản mục như khoản phải thu ngày một gia tăng và chiếm trọng số trong cơ cấu tài sản.

Cuối tháng 6/2020, Yeah1 có khoản phải thu khác 469,1 tỷ đồng, được trích lập dự phòng tới 292,5 tỷ đồng.

Tính tới 30/6/2020, tổng khoản phải thu là 428,6 tỷ đồng, chiếm 35,1% tổng tài sản. Điểm đáng lưu ý ở đây là chất lượng các khoản phải thu khi doanh nghiệp liên tục trích lập dự phòng các khoản phải thu.

Trong đó, khoản phải thu khác 469,1 tỷ đồng đã trích lập dự phòng tới 292,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp thuyết minh cụ thể là trích lập 278,7 tỷ đồng khoản phải thu từ nhượng bán Công ty Scaleb Pte. Ltd trong năm 2019; trích lập 12,25 tỷ đồng cho hợp đồng hợp tác xây dựng và kinh doanh dự án Hùng Vương Square tại số 100 Hùng Vương, phường 9, quận 5, TP.HCM trong tổng 17,5 tỷ đồng đầu tư và những khoản trích lập khác.

Ngoài ra, Yeah1 còn nhiều khoản phải thu khác, trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng lên tới 228,4 tỷ đồng…

Dòng tiền hoạt động kinh doanh năm 2018 âm 287,4 tỷ đồng, năm 2019 âm 41,1 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2020 âm 170,3 tỷ đồng. Nếu hoạt động kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn, bài toán dòng tiền sẽ là hiện hữu đối với doanh nghiệp. Vì vậy, không khó hiểu khi Yeah1 bán cổ phiếu quỹ.

Mờ mịt chặng đường trở lại

Quý trước, Yeah1 cũng đã bán 25% vốn sở hữu Mega1, một ứng dụng được phát triển bởi Công ty cổ phần Giải trí Yeah1 cho đối tác với giá 70 tỷ đồng, nhưng mới nhận 12 tỷ đồng. Phần còn lại được thanh toán vào quý III/2020.

Chính khoản chuyển nhượng vốn của Mage 1 giúp Công ty thoát lỗ trong quý II. Trong nửa đầu năm, Yeah1 chỉ lãi gần 2,5 tỷ đồng, lỗ hoạt động kinh doanh chính vẫn gần 70 tỷ đồng.

Yeah1 cho biết, sau khi chuyển nhượng 25% sở hữu Mega1, Công ty vẫn tiếp tục phát triển ứng dụng này hướng tới 10 triệu người dùng vào cuối năm 2020 từ mức 5,2 triệu người dùng hiện nay.

Như vậy, bức tranh 6 tháng đầu năm nhìn về con số lợi nhuận là cải thiện, nhưng nếu loại bỏ lợi nhuận đột biến khác cũng như xem xét kỹ hơn về dòng tiền, có thể thấy bức tranh tài chính còn xám màu hơn so với năm 2019.

Câu chuyện kết quả kinh doanh xuống dốc của Yeah1 ai cũng rõ, xuất phát từ biến cố YouTube chấm dứt thoả thuận lưu trữ nội dung với công ty này trong năm 2019.

Làm lại từ đầu, 2020, Yeah1 đặt kế hoạch tham vọng quay trở lại với khẩu hiệu “Make Yeah1 Great Again”, khởi đầu là hợp tác với Tân Hiệp Phát ra mắt ứng dụng Mega1. Nhưng kết quả kinh doanh khi nào phản ánh sự quay trở lại của Yeah1 vẫn là câu hỏi ngỏ.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Yeah1 cho biết, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm liên tục, doanh nghiệp chỉ có một giải pháp duy nhất, quyết tâm nhất là đầu tư.

Yeah1 tiếp tục phát triển Giga1 ứng dụng các nền tảng công nghệ để "số hóa" toàn bộ quá trình M2C, gồm kiểm soát hệ thống phân phối - đẩy lực truyền thông và tiếp thị - kích cầu mua bán trao đổi - gia tăng khách hàng trung thành.

Trong giai đoạn đầu tư ban đầu phải tiêu tốn nguồn lực, Yeah1 kỳ vọng doanh thu từ Giga1 đạt trăm triệu USD mỗi năm, sẽ giải được bài toán dòng tiền âm nói trên. Xa hơn, Yeah1 cho rằng, với Giga1, hệ sinh thái đang định hình và kiến tạo sẽ đưa Công ty thành tập đoàn công nghệ bán lẻ hàng đầu trong nước và khu vực.

Tham vọng của Yeah1 thì lớn nhưng thực hiện được bao nhiêu là câu hỏi cũng lớn không kém.

Tin bài liên quan