Giai đoạn 2010 - 2017, GDP tăng thêm 25,4% sau khi đánh giá lại quy mô nền kinh tế vào năm 2019. Thưa ông, năm 2020 tiếp tục thực hiện thống kê NOE, chắc chắn, quy mô GDP sẽ tăng nữa, khiến có một số ý kiến nghi ngờ mục đích của việc thống kê?
Cũng như đánh giá lại quy mô GDP, việc thống kê NOE nhằm có được con số chính xác hơn, xác thực hơn, ghi nhận kết quả của những hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa được thống kê hoặc thống kê chưa hết, chứ không phải nhằm “làm đẹp con số thống kê” như một số người suy diễn.
Rất nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện đánh giá lại quy mô GDP, thực hiện thống kê NOE, chứ không riêng Việt Nam.
Mục đích của việc thống kê NOE là để đánh giá kết quả sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế ngầm, khu vực kinh tế chưa thống kê hết, còn bỏ sót nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế, từng bước tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ thống kê quốc tế; góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với nền kinh tế.
Chính vì vậy, Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 đã giao nhiệm vụ cho ngành thống kê tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án lớn của ngành thống kê, nhất là Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, để cung cấp thông tin, số liệu phục vụ đại hội Đảng các cấp; phục vụ việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2026 và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Theo ông, nếu thống kê được NOE thì quy mô GDP của Việt Nam sẽ tăng bao nhiêu? Liệu có tăng đến 30% như một số chuyên gia kinh tế dự báo?
Khu vực NOE gồm hoạt động kinh tế ngầm; hoạt động kinh tế bất hợp pháp; hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê. NOE tương đương bao nhiêu GDP là tùy theo cách thống kê NOE và mức độ chính xác trong thống kê của từng quốc gia.
Theo tôi được biết, trong số 24 nước công bố NOE/GDP, có 5 nước có tỷ lệ dưới 5%; 6 nước ở mức 10 - 15%; 7 nước ở mức 16 - 20%; 4 nước trong khoảng 21 - 30% và 2 nước trên 30%.
Với Việt Nam, chắc chắn không tính hoạt động kinh tế bất hợp pháp, phi pháp như mại dâm, buôn lậu, cờ bạc… vào GDP, nên NOE chắc không đến 30% GDP, nhưng cũng khoảng 20 - 25% GDP.
Dựa vào đâu, ông đưa ra dự tính NOE tương đương 20 - 25% GDP?
Hiện có 5 - 7 triệu hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động kinh tế, thậm chí nhiều người còn thuê cả lao động như hoạt động buôn bán nhỏ lẻ dạng cửa hàng tạp hóa; bán nước, bán thức ăn sáng, ăn đêm vỉa hè; chạy xe ôm, taxi; cung cấp dịch vụ các loại; hoạt động môi giới; buôn bán online trên mạng xã hội. Những hoạt động này là hợp pháp, tạo ra thu nhập cho bản thân, tạo ra của cải cho xã hội và đóng góp vào GDP, nhưng giao dịch bằng tiền mặt, nên chưa thể thống kê. Nếu có phương pháp đo lường một cách tương đối chính xác, thì được hoạt động này sẽ đóng góp không nhỏ vào GDP.
Hàng chục triệu hộ nông dân, ngoài sản xuất nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản đã được thống kê, thì họ còn chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá, trồng rau… phục vụ cuộc sống hàng ngày và đem bán. Số lượng sản phẩm của người nông dân mang tính chất tự sản, tự tiêu này trong xã hội rất lớn, nhưng cũng chưa thống kê được, nên nếu tính một cách tương đối chính xác thì cũng đóng góp vào GDP.
Ngoài ra, hoạt động kinh tế ngầm, đặc biệt là buôn bán qua biên giới dưới dạng tiểu ngạch giữa thương nhân Việt Nam và các nước có chung đường biên giới, cũng rất lớn, nhưng chưa được thống kê đầy đủ, còn bỏ sót. Khi tính được phần này, thì chắc chắn, quy mô GDP sẽ tăng lên đáng kể.
Các hoạt động kể trên đều thanh toán bằng tiền mặt, vậy có thể thống kê được không, thưa ông?
Áp dụng công nghệ thông tin và các phương pháp thống kê khoa học, tôi tin là sẽ thống kê được các hoạt động kể trên. Khó như thống kê khu vực kinh tế tự túc, tự cấp của hộ gia đình, cá nhân còn làm được, thì các hoạt động khác không có gì khó.
Thống kê các hoạt động kinh tế - xã hội không chỉ là nhiệm vụ của ngành thống kê, mà của các cấp, các ngành như nông nghiệp, hải quan, thuế, công thương…
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, trong đó ngành thống kê giữ vai trò chủ đạo, và sử dụng phương pháp thống kê trực tiếp để đo lường kết quả sản xuất, kinh doanh của các hoạt động kinh tế phi chính thức; hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu và hoạt động kinh tế bị bỏ sót; sử dụng phương pháp thống kê gián tiếp hoặc ước lượng bằng phương pháp lập mô hình kinh tế vĩ mô để đo lường hoạt động kinh tế ngầm, thì sẽ có được quy mô GDP tương đối chính xác.