Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp.
Tiếp tục phiên họp thứ 32, sáng 17/4 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, lần sửa đổi này Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện nhiều nội dung cụ thể, trong đó quy định rõ quyền sở hữu, quyền khác đối với di sản văn hóa, tạo cơ sở để xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu, chủ thể di sản trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Dự thảo sửa đổi cũng quy định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được chuyển nhượng thông qua mua bán dân sự, trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước để gia tăng giá trị của di sản, chỉ cấm kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật nhằm tránh mất mát di sản văn hoá ra nước ngoài.
Đồng thời, lần sửa đổi này cũng quy định các biện pháp quản lý hiệu quả như: Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân phải được quản lý trong các bảo tàng công lập, di tích và các cơ quan, tổ chức nhà nước có chức năng, nhiệm vụ thích hợp.
Chính sách mới cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân sưu tầm và trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; quy định hoạt động kinh doanh giám định di vật, cổ vật nhằm ngăn chặn kinh doanh, mua bán trái phép di vật, cổ vật và làm mất mát di sản văn hóa…
Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa hiện hành.
Với quy định về quản lý bảo vật quốc gia, Điểm c khoản 1 Điều 40 dự thảo Luật quy định “... Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được chuyển nhượng thông qua mua bán, trao đổi, tặng cho, thừa kế trong nước và không được kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư...”.
Thường trực Ủy ban thẩm tra đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ, đặc biệt làm rõ nội hàm “chuyển nhượng”, “mua bán”, “kinh doanh” để tránh có nhiều cách hiểu khác nhau.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, có ý kiến cho rằng, quy định không được kinh doanh đối với bảo vật quốc gia là giới hạn quyền sở hữu tài sản của công dân theo Chương XIII Bộ luật Dân sự (quyền sở hữu bao gồm: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt).
Đồng thời quy định này cũng chưa bảo đảm tính thống nhất trong nội dung dự thảo Luật (điểm c khoản 1 Điều 40 giới hạn quyền sở hữu đối với tài sản nhưng khoản 3 Điều 41 lại quy định việc chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự).
Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Dân sự, ông Vinh nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra.
Đáng chú ý, so với Luật Di sản văn hóa hiện hành, dự thảo Luật chuyển từ quy định “Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu nhà nước” thành “Nhà nước đại diện chủ sở hữu di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân” (khoản 1 Điều 4).
Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, hồ sơ dự án Luật chưa đề cập lý do sửa đổi các hình thức sở hữu di sản văn hóa, chưa xác định thẩm quyền, tiêu chí công nhận loại hình sở hữu. Thường trực Ủy ban thẩm tra đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình nội dung này; đồng thời quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có).