Hôm 29/6, tại cuộc họp báo sau cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông sẽ cho phép các công ty Mỹ tiếp tục bán hàng cho Huawei, hãng thiết bị viễn thông và smartphone số một Trung Quốc bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen hồi tháng trước. Danh sách này khiến các công ty Mỹ không thể bán linh kiện và công nghệ cho Huawei nếu như chưa được chính phủ Mỹ chấp thuận.
Trump trước đó hứng chỉ trích của các nghị sĩ Mỹ có quan điểm cứng rắn về vấn đề an ninh, khi ông nói rằng có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Huawei để đổi lấy một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Việc Trump để các công ty công nghệ Mỹ tiếp tục bán hàng cho Huawei dường như là bước tiến quan trọng để hướng đến mục tiêu đó và phát đi tín hiệu rằng ông quan tâm đến việc bán các sản phẩm Mỹ cho Trung Quốc hơn là đẩy hai nước vào một cuộc "Chiến tranh Lạnh công nghệ" không liệt không kém chiến tranh thương mại. Về lâu dài, khuynh hướng kinh doanh này có thể ảnh hưởng lớn tới hướng đi của mối quan hệ Mỹ - Trung hơn là thỏa thuận ngừng áp thuế và nối lại đàm phán thương mại mà Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập vừa đạt được sau cuộc gặp ở Osaka.
Các lệnh cấm của chính quyền Trump hồi tháng trước nhằm cắt đứt nguồn cung linh kiện và công nghệ Mỹ cho Huawei đánh dấu bước leo thang trong cuộc đối đấu thương mại Mỹ - Trung, sau khi Trump nâng thuế lên mức 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Việc đưa Huawei vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ được nhìn nhận như là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang sa vào một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới".
Nhiều nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh và Washington cho rằng cuộc xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, phát biểu của Trump tại cuộc họp báo ở Osaka hôm 29/6 toát lên sự lạc quan về tương lai quan hệ Mỹ - Trung, thậm chí dường như bác bỏ quan điểm trong chính quyền của ông, được lặp lại cách đây hai ngày bởi quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mark T. Esper, rằng Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược trong dài hạn.
"Tôi nghĩ chúng tôi sẽ trở thành đối tác chiến lược của nhau", Trump nói khi được một phóng viên Trung Quốc hỏi ông nhìn nhận Trung Quốc như thế nào. "Tôi nghĩ chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau. Nếu một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đúng đắn được xây dựng, chúng ta có thể là những đối tác tuyệt vời của nhau".
Trump thông báo tại cuộc họp ở Osaka rằng ông hoãn thực hiện lời đe dọa áp thêm thuế với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc mỗi năm. Kế hoạch áp thuế trên đã nhận phải sự phản đối gay gắt của các doanh nghiệp Mỹ. Hôm 29/6, Trump cho hay mối quan tâm của ông giờ đây là giúp đỡ các công ty Mỹ, vốn đang vận động hành lang để đưa Huawei ra khỏi danh sách đen. "Tôi muốn các công ty của chúng tôi bán hàng cho mọi khách", Trump nói.
Các phát biểu của Trump trong cuộc họp ngẫu hứng dài 73 phút ở Osaka gợi nhớ cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa ông với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi năm ngoái ở Singapore.
Lúc bấy giờ, Trump cũng rút lại lời đe dọa trút "lửa và cuồng nộ" nhằm vào Triều Tiên hồi năm 2017. Thay vào đó, ông nói về tiềm năng kinh tế của Triều Tiên, thậm chí ca ngợi triển vọng về các thương vụ phát triển bất động sản khổng lồ của Triều Tiên nếu họ từ bỏ chương trình hạt nhân và theo đuổi con đường phát triển kinh tế.
Cũng tại cuộc họp báo ở Osaka, Trump cho biết trong những ngày tới, Mỹ sẽ quyết định liệu có đưa Huawei ra khỏi danh sách đen hay không. Trump còn thêm rằng ông sẽ "cân nhắc bán những thiết bị không gây ra vấn đề an ninh quốc gia lớn với Mỹ" cho Huawei. Ông đồng thời tiết lộ Trung Quốc đã cam kết nối lại việc mua các nông sản và các sản phẩm khác của Mỹ như một phần trong thỏa thuận đình chiến nhằm tái khởi động các cuộc đàm phán.
Dù vậy, ông chủ Nhà Trắng cung cấp rất ít các chi tiết liên quan. Thậm chí thời điểm đàm phán được nối lại hoặc thời hạn đàm phám kéo dài bao lâu vẫn chưa được làm rõ. Một câu hỏi nữa chưa được giải đáp là liệu Trung Quốc có giải quyết các phàn nàn của Mỹ rằng Bắc Kinh đã "nuốt lời" trước một loạt cam kết trong dự thảo thỏa thuận thương mại, nguyên nhân khiến đàm phán Mỹ - Trung sụp đổ hồi đầu tháng 5, hay không.
"Điều này không có nghĩa là sắp có một thỏa thuận. Nhưng Trung Quốc sẽ muốn đạt thỏa thuận. Tôi có thể chia sẻ như vậy với các bạn", Trump nói với các phóng viên về thỏa thuận nối lại đàm phán thương mại cùng Trung Quốc.
Trung Quốc trong khi đó thể hiện sự lạc quan thận trọng trước các phát biểu của Trump. "Chúng tôi dĩ nhiên hoan nghênh nếu những lời nói này được cụ thể bằng hành động", Vương Tiểu Long, đặc sứ về các vấn đề G20 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc kiêm Vụ trưởng Vụ Kinh tế Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói tại họp báo ở Osaka khi được hỏi về thông tin Trump nới lỏng các hạn chế đối với Huawei.
Tổng thống Donald Trump (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, hôm 29/6. Ảnh: Reuters.
Huawei tỏ thái độ tích cực hơn qua lời bình luận trên tài khoản Twitter của hãng: "Quay ngoắt 180 độ? Donald Trump gợi ý ông ấy sẽ cho phép Huawei mua công nghệ Mỹ trở lại!"
Một số nghị sĩ Mỹ thể hiện nỗi lo lắng với quyết định này của Trump. Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer, lãnh đạo phe thiểu số tại thượng viện Mỹ, cho rằng giảm sức ép đối với Huawei sẽ khiến Mỹ đánh mất đáng kể khả năng buộc Trung Quốc thay đổi hành vi thương mại.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio thậm chí còn gọi đây là "sai lầm thảm họa", cho biết ông sẽ giới thiệu dự luật tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Huawei nếu Trump đem chúng ra mặc cả để đổi lấy thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow bác bỏ lo ngại này, khẳng định đây "chỉ là sự nới lỏng hạn chế cho các mặt hàng phổ thông, không phải những sản phẩm nhạy cảm về an ninh quốc gia".
Ngoài động thái liên quan đến Huawei, Mỹ và Trung Quốc không đạt được tiến bộ nào khác tại Osaka cho thấy hai nước sắp tiến gần đến một giải pháp chấm dứt chiến tranh thương mại, Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Washington, nhận định. "Đây có thể là thông tin mà thị trường muốn nghe nhưng không thực sự đưa chúng ta đến gần với việc giải quyết các bất đồng sâu sắc giữa đôi bên", ông nói.
Và dù chìa cành ôliu cho Trung Quốc, Trump vẫn còn nhiều phương án để gây sức ép với Bắc Kinh và Huawei. Chính quyền Trump đã ban bố sắc lệnh hành pháp để cấm các công ty Mỹ mua thiết bị viễn thông của Trung Quốc và đã có những bước đi để hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ trong những lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo hay tự động hóa. Mức thuế 25% mà ông đã áp với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc cũng không thay đổi.
Giới quan sát đánh giá động thái nhượng bộ Huawei của Trump hôm 29/6 cho thấy ông muốn ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc hơn là dấn thân vào chiến trường công nghệ trong cuộc cạnh tranh với nước này.
"Đây là một sự nhượng bộ lớn dành cho Trung Quốc, nhưng vẫn chưa rõ Mỹ được đền đáp như thế nào", Wendy Cutler, nhà đàm phán thương mại kỳ cựu của Mỹ, đang làm việc ở Hội châu Á, New York, nhận xét.