Cấp phúc thẩm đã y án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo Trần Văn Liêm, cựu Tổng giám đốc Vinashinlines, Giang Kim Đạt, cựu quyền trưởng phòng kinh doanh, Trần Văn Khương, cựu kế toán trưởng phạm tội Tham ô tài sản, bị cáo Giang Văn Hiển, bố đẻ của Giang Kim Đạt phạm tội Rửa tiền.
Tòa án tuyên phạt mức án tử hình đối với bị cáo Liêm, bị cáo Đạt, mức án chung thân với bị cáo Khương, mức án 12 năm tù giam với bị cáo Giang Văn Hiển.
Trước đó, vào tháng 2/2017, các bị cáo bị đưa ra xét xử sơ thẩm vì hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thông qua công ty môi giới, đàm phán, thỏa thuận với công ty bán tàu, công ty thuê tàu để lấy tiền hoa hồng, gửi giá tiền thuê tàu, để ngoài sổ sách kế toán của Vinashinlines nhằm chiếm đoạt.
Tổng số tiền bị chiếm đoạt là gần 260 tỷ đồng, trong đó Giang Kim Đạt chiếm hưởng 255 tỷ đồng, Trần Văn Liêm hưởng lợi hơn 3,1 tỷ đồng, Trần Văn Khương hưởng lợi 1,7 tỷ đồng.
Sau phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo đều có đơn kháng cáo kêu oan. Trong đó, bị cáo Giang Kim Đạt khẳng định số tiền 260 tỷ đồng được nhận là khoản phí môi giới, tiền kinh doanh dịch vụ hàng hải.
Tuy nhiên, tại bản án phúc thẩm, Hội đồng xét xử cho rằng không có căn cứ để chấp nhận lời khai của bị cáo Đạt. Kết quả giám định của Bộ Tài chính nêu rõ đối với các công ty nhà nước, các khoản tiền thưởng, quà biếu, quà tặng… đều phải được hạch toán vào sổ sách kế toán. Hành vi để ngoài sổ sách của các bị cáo là trái pháp luật.
Do đó, Hội đồng xét xử cho rằng, bản án sơ thẩm là có căn cứ, đúng người đúng tội, đúng pháp luật và tuyên y án sơ thẩm đối với các bị cáo.
Riêng về phần dân sự, cả 3 đơn vị là Vinashinlines, Vinalines và Vinashin (nay là SBIC) đều “đòi” tư cách nguyên đơn dân sự và được quyền nhận lại tài sản bị chiếm đoạt.
Theo kết quả điều tra, số tiền 255 tỷ đồng Giang Kim Đạt hưởng lợi được chuyển cho bố để để mua nhiều bất động sản, ô tô. Cơ quan điều tra đã kê biên 37 nhà đất và 2 ô tô.
Ở cấp sơ thẩm, đại diện Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy SBIC cho rằng thời điểm xảy ra vụ việc, Vinashinlines thuộc sở hữu 100% vốn Vinashin (nay là SBIC). Tiền mua tàu là tiền của Vinashin cho vay ủy thác qua Công ty tài chính tàu thủy Việt Nam VFC. Vì vậy, SBIC đề nghị Tòa án xác định tư cách nguyên đơn dân sự và đòi nhận lại số tiền các bị cáo chiếm đoạt.
Đại diện Tổng công ty Hàng hải Vinalines đề nghị Tòa án xác định tư cách nguyên đơn dân sự trong vụ án bởi Vinashinlines đã được chuyển về Vinalines và Vinalines phải gánh các khoản nợ cho công ty này lên tới 6.000 tỷ đồng. Do đó, Vinalines đề nghị số tiền thu hồi phải chuyển trả cho Vinalines.
Vinashinlines đề nghị xác định tư cách nguyên đơn dân sự bởi khi phạm tội các bị cáo đang là nhân sự của Vinashinlines. Số tiền phải trả lại cho Vinashinlines.
Bản án sơ thẩm xác định Vinashin nay là SBIC là nguyên đơn dân sự bởi toàn bộ nguồn vốn thực hiện các hợp đồng mua tàu, khai thác kinh doanh cho thuê tàu là thuộc nguồn vốn của Tập đoàn Vinashin. Đến thời điểm hiện tại, Vinashinlines còn nợ Tập đoàn Vinashin gần 49 triệu USD và hơn 73 tỷ đồng tiền mua tàu.
Sau phiên tòa sơ thẩm, Vinashinlines và Vinalines đều kháng cáo đòi quyền xử lý tài sản. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát cho rằng kháng cáo là có căn cứ nên chấp nhận và cho rằng cần xác định lại tư cách nguyên đơn dân sự. Các bị cáo lấy tiền của Vinashinlines thì phải trả lại cho Vinashilines.
Tuy nhiên, theo HĐXX phúc thẩm, mặc dù vụ án xảy ra tại Vinashinlines, các bị cáo cũng cán bộ của công ty này nhưng Vinashin mới là đơn vị cung cấp nguồn vốn cho Vinashinlines mua tàu. Đó là nguồn trái phiếu – tiền đi vay. Hiện Vinashinlines đang làm thủ tục phá sản tại Tòa án Hà Nội.
Do đó, việc xác định Vinashin là nguyên đơn dân sự không làm ảnh hưởng quyền lợi của Vinashinlines. Khi giải quyết vụ phá sản của Vinashinlines cần đối trừ công nợ này.
Tòa án tuyên bố tiếp tục kê biên các tài sản để thi hành án. Số tiền bán nhà đất và 2 ô tô và số tiền 6,4 tỷ đồng tạm giữ sau khi đối trừ các nghĩa vụ nếu còn thừa cho tịch thu sung công Nhà nước.
Trong số 37 nhà đất bị kê biên, Giang Văn Hiển "đầu tư" khá nhiều đất nền ở Khu nhà ở Bình An tại quận 2 (TP Hồ Chí Minh). Vợ chồng bị cáo đứng tên 4 lô đất nền ở dự án này.
Cũng ở quận 2, vợ chồng Giang Văn Hiển có 6 lô đất nền ở dự án Khu dân cư 20h Bình Trưng Đông.
Có 12 nhà đất thuộc quận 3 - khu vực trung tâm của TP Hồ Chí Minh.
Ngoài TP Hồ Chí Minh, vợ chồng Giang Văn Hiển còn đứng tên trên nhiều nhà đất ở Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang.
Riêng tại Khu du lịch và sinh thái An Viên (Nha Trang, Khánh Hòa) hai vợ chồng bị cáo sở hữu gần 4.000m2 đất ở nhiều lô khác nhau.