Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Xung đột tại Yemen giúp dầu, vàng tăng mạnh, chứng khoán tiếp tục giảm

(ĐTCK) Tình hình xung đột tại Yemen trở nên căng thẳng hơn khi có sự can thiệp của Ả Rập Saudi và các đồng mình đã tiếp thêm động lượng cho vàng tăng phiên thứ 7 liên tiếp, dầu cũng tăng vọt với thông tin này, trong khi chứng khoán tiếp tục chịu áp lực chốt lời và đóng cửa trong sắc đỏ.

Phố Wall tiếp tục có phiên giảm thứ 4 liên tiếp khi bất chấp giá dầu thô tăng mạnh trở lại. Dù giá dầu thô tăng mạnh hơn 4% trong phiên thứ Năm do căng thẳng địa chính trị tại Vùng vịnh, nhưng cổ phiếu năng lượng vẫn giảm nhẹ trong phiên thứ Năm. Đối với nhà đầu tư, mối bận tâm nhất hiện nay chính là sức mạnh của đồng USD.

Đồng USD đã tăng 8% trong 3 tháng qua và điều này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ. Kết quả cụ thể sẽ dần được sáng tỏ vào đầu tháng tới, khi các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý I. Trong khi đó, sau khi giảm nhẹ đầu tuần, đồng USD lại hồi trở lại trong phiên thứ Năm, đồng euro giảm xuống còn 1,0885 USD. Bên cạnh đó, việc thị trường leo lên mức cao kỷ lục hồi đầu tháng với không nhiều thông tin hỗ trợ, cũng khiến giới đầu tư mạnh dạn chốt lời, nhất là nhóm cổ phiếu công nghệ và công nghệ sinh học, góp phần đẩy phố Wall giảm mạnh trong tuần và đánh mất gần như toàn bộ sổ điểm có được từ đầu năm, ngoại trừ Nasdaq còn có mức tăng 2,7%.

Kết thúc phiên 26/3, chỉ số Dow Jones giảm 40,31 điểm (-0,23%), xuống 17.678,23 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,9 điểm (-0,24%), xuống 2.056,15 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 13,16 điểm (-0,27%), xuống 4.863,36 điểm.

Tương tự chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên giảm do áp lực chốt lời cổ phiếu công nghệ, khi nhóm cổ phiếu này đã tăng tới 42% kể từ giữa tháng 10/2014 khi được hưởng lợi từ việc đồng euro giảm mạnh so với đồng USD. Đây là mức tăng mạnh hơn so với mức tăng chung của thị trường và là ngành được định giá cao hơn mức trung bình dài hạn. Hiện nhóm này đang được giao dịch ở mức PE 20,4 lần, cao hơn mức PE trung bình 10 năm là 16,2 lần và hơn mức PE trung bình của chỉ số Stoxx Europe 600 hiện là 16 lần.

Kết thúc phiên 26/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 95,64 điểm (-1,37%), xuống 6.895,33 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 21,64 điểm (-0,18%), xuống 11.843,68 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 14,64 điểm (-0,29%), xuống 5.006,35 điểm.

Làn sóng bán tháo cổ phiếu bán dẫn và công nghệ trên thị trường chứng khoán Mỹ đã lây lan sang thị trường chứng khoán Nhật Bản, khiến chỉ số Nikkei 225 giảm mạnh 1,4% trong phiên thứ Năm, mức giảm mạnh nhất 10 tuần. Tương tự, chịu ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán Âu, Mỹ và căng thẳng tại Trung Đông, chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Năm. Trong khi đó, với việc giá dầu tăng mạnh, cổ phiếu của các đại gia dầu khí Trung Quốc tăng mạnh, hỗ trợ cho thị trường chứng khoán đại lục đảo chiều tăng trở lại chỉ sau phiên điều chỉnh hôm thứ Tư.

Kết thúc phiên 26/3, chỉ số Nikkei 225 giảm 275,08 điểm (-1,39%), xuống 19.471,12 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 31,15 điểm (-0,13%), xuống 24.497,08 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 21,37 điểm (+0,58%), lên 3.682,10 điểm.

Trên thị trường vàng. Căng thẳng địa chính trị, cùng việc đồng USD giảm giá giúp giá vàng tăng vọt trong phiên châu Á và châu Âu, vượt quan 1.218 USD/ounce.

Thêm một thông tin tốt hỗ trợ cho vàng khi một báo cao cho biết, Trung Quốc đã cho phép các công ty tăng lượng nhập khẩu vàng, giảm phí bảo hiểm vàng từ mức 5 - 6 USD/ounce, xuống 1 – 2 USD/ounce. Động thái này báo hiệu nhu cầu vàng vật chất của Trung Quốc, thị trường tiêu thụ vàng lớn thứ nhất, nhì thế giới gia tăng nhẹ. Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, nhu cầu của Trung Quốc đối với vàng nhập khẩu có khả năng tăng 11% trong năm nay.

Tuy nhiên, sau đó, đồng USD hồi phục trở lại, cùng với áp lực chốt lời kỹ thuật đã khiến vàng quay đầu, nhưng kết thúc phiên, kim loại quý này vẫn có được phiên tăng thứ 7 liên tiếp và vượt qua được ngưỡng cản 1.200 USD/ounce.

Kết thúc phiên 26/3, giá vàng giao ngay tăng 9 USD (+0,75%), lên 1.204,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 7,8 USD/ounce (+0,65%), lên 1.204,8 USD/ounce.

Cuộc xung đột tại Yemen tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu tăng mạnh trong phiên thứ Năm. Theo thông tin từ các hãng thông tấn quốc tế, Ả Rập Saudi và các đồng minh ở Vùng vịnh đã tiến hành không kích nhằm vào lực lượng nổi dậy ở Yemen, trong một nỗ lực nhằm giải vây cho Tổng thống đất nước phía Nam bán đảo Ả Rập này. Nếu để Yemen rơi vào cuộc nội chiến, dòng chảy dầu từ Vùng vịnh, mà điển hình là từ Ả Rập Saudi sang phương Tây sẽ gặp rủi ro, bởi phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Ả Rập Saudi đều đi qua vùng biển Yemen để ra biển Đỏ hoặc kênh đào Suez. Do đó, cuộc khủng hoảng tại quốc gia này đã khiến giá dầu tăng mạnh hơn 4% trong phiên thứ Năm, trong đó, giá dầu thô Mỹ lần đầu tiên kể từ ngày 9/3 vượt qua ngưỡng 50 USD/thùng.  

Dầu thô Mỹ đã tăng 17% kể từ khi chạm mức thấp 43,96 USD/thùng trong tuần trước. Trong khi đó, dầu thô Brent, một loại dầu được sử dụng nhiều trong các nhà máy lọc dầu của Mỹ cũng tăng mạnh gần 4,6%, vượt qua 59 USD/thùng.

Kết thúc phiên 26/3, giá dầu thô Mỹ tăng 2,22 USD/thùng (+4,32%), lên 51,43 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,71 USD (+4,58%), lên 59,19 USD/thùng.

Tin bài liên quan