Xung đột quân sự Nga - Ukraine sẽ ảnh hưởng thế nào tới thị trường chứng khoán?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nỗi sợ hãi về một cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang khiến các nhà đầu tư lo ngại.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Sáu (17/2) cho biết, ông tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định tấn công Ukraine trong những ngày tới, nhưng cho đến khi điều đó xảy ra, vẫn còn đường cho giải pháp ngoại giao. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ gặp nhau trong tuần tới nếu một cuộc chiến không xảy ra trước đó.

Thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng

Thị trường chứng khoán và các thị trường tài chính khác tiếp tục phản ứng với căng thẳng địa chính trị trong tuần qua. Thị trường đã hồi phục một phần sau khi Moscow phủ nhận kế hoạch tấn công và cho biết họ đang rút một số quân ở khu vực giáp biên giới với Ukraine.

Tuy nhiên, điều đó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi Mỹ và các đồng minh cho biết rằng, thay vì rút quân, Nga đã điều động thêm quân, với các lực lượng Nga tham gia vào loại hoạt động “cờ giả” mà Washington nói rằng Moscow có thể sẽ sử dụng như một cái cớ cho một cuộc xâm lược.

Chứng khoán Mỹ có tuần sụt giảm thứ hai liên tiếp, với chỉ số Dow Jones giảm 1,9%, chỉ số S&P 500 giảm 1,6% và Nasdaq Composite giảm 1,8%.

Trong khi đó, giá dầu lại không tiếp tục tăng mạnh trong tuần qua mặc dù căng thẳng Ukraine có thời điểm đã thúc đẩy giá dầu tiến gần hơn tới ngưỡng 100 USD/thùng. Thay vào đó, triển vọng về một hiệp định hạt nhân Iran được hồi sinh có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu thô của nước này, đã thúc đẩy hoạt động chốt lời và giá dầu thô kết thúc chuỗi 8 tuần tăng liên tiếp.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu một cuộc tấn công Ukraine diễn ra?

Đối với các nhà đầu tư, trọng tâm sẽ là giá năng lượng, các nhà phân tích cảnh báo rằng, giá dầu thô vẫn có khả năng tăng trên 100 USD/thùng.

Tổng thống Biden cho biết, quân đội Mỹ sẽ không được triển khai tới Ukraine nhưng cam kết sẽ có các biện pháp trừng phạt "nghiêm khắc" chống lại Moscow trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược.

“Ông Biden vẫn kiên quyết rằng Ukraine sẽ được bảo vệ và các biện pháp trừng phạt như ngăn chặn hoạt động bán năng lượng sẽ được triển khai như một biện pháp chống lại hành động của Nga. Với giá dầu đã ở mức cao nhất trong nhiều năm do động lực cung cầu bị lệch pha, căng thẳng hơn nữa có thể có khả năng làm giá dầu tăng giá hơn và có thể tác động tiêu cực đến cả nền kinh tế Mỹ và toàn cầu”, Larry Adam, Giám đốc đầu tư Khách hàng cá nhân tại Raymond James cho biết.

“Mặc dù chúng tôi vẫn lạc quan rằng một giải pháp ngoại giao hoặc căng thẳng hạ nhiệt sẽ có kết quả, nhưng căng thẳng leo thang vẫn có khả năng xảy ra. Một kết quả thuận lợi sẽ làm giảm yếu tố rủi ro địa chính trị hiện tại đang được tích hợp vào giá dầu (ít nhất là 5 - 10 USD) và đưa giá dầu trở lại gần mục tiêu cuối năm của chúng tôi là 80 USD/thùng”, ông cho biết.

Ngoài dầu thô, vai trò là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên chủ chốt của Nga cho Tây Âu có thể khiến giá khí đốt trong khu vực tăng vọt. Các nhà phân tích cho biết, giá năng lượng tăng vọt ở châu Âu và trên thế giới sẽ là kịch bản có khả năng nhất mà một cuộc xâm lược của Nga sẽ gây ra sự biến động trên các thị trường tài chính.

Tuy nhiên, không phải ai cũng cho rằng sự gián đoạn nguồn cung đáng kể, đặc biệt là đối với dầu thô sẽ là điều không thể tránh khỏi.

Các nhà phân tích hàng hóa tại Capital Economics cho biết: “Chúng tôi nghi ngờ rằng cả phương Tây và Nga đều không muốn cắt giảm thương mại năng lượng và giá dầu có thể giảm trở lại khá nhanh chóng”.

“Ngược lại, phương Tây đã trừng phạt các nhà sản xuất kim loại của Nga trước đây và với phần lớn lượng ngũ cốc xuất khẩu của Nga rời khỏi các cảng Biển Đen, nguy cơ gián đoạn nguồn cung ở đó là rất cao”, các nhà phân tích cho biết.

Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng, giá lúa mì có thể tăng thêm trong trường hợp có một cuộc xâm lược. Cả Nga và Ukraine đều là những nước xuất khẩu ngũ cốc lớn. Giá ngô và đậu tương tương lai cũng được cho là có khả năng tăng giá.

Chứng khoán và địa chính trị

Phần lớn các nhà phân tích cổ phiếu đều cho rằng một chiến xảy ra sẽ có ít tác tới thị trường chứng khoán.

Chiến lược gia Larry Adam cho biết, bất chấp sự biến động ngắn hạn sau các sự kiện địa chính trị trong ba thập kỷ qua, từ các cuộc tấn công khủng bố đến bắt đầu chiến tranh, thị trường chứng khoán Mỹ có xu hướng phục hồi tương đối nhanh chóng với mức tăng trung bình 4,6% trong 6 tháng sau các cuộc khủng hoảng kể từ năm 1990.

“Nhìn chung, chính sách và điều kiện kinh tế của Fed có xu hướng là động lực lâu dài hơn cho nền kinh tế và thị trường tài chính hơn là các sự kiện địa chính trị biệt lập”, ông cho biết.

Tuy nhiên, sự phân kỳ giữa nền kinh tế và thị trường chứng khoán do ảnh hưởng bởi một cuộc chiến tranh “có thể gây ra rủi ro giảm sút trong ngắn hạn cho nền kinh tế toàn cầu và khiến sự biến động mạnh của thị trường vẫn tiếp diễn”, ông cho biết thêm.

Tin bài liên quan