Eo biển Hormuz gánh trọng trách vận chuyển khoảng 1/5 lượng dầu mỏ thế giới Ảnh: AFP

Eo biển Hormuz gánh trọng trách vận chuyển khoảng 1/5 lượng dầu mỏ thế giới Ảnh: AFP

Xung đột ở Trung Đông leo thang: Đe dọa tắc nghẽn vận tải biển

0:00 / 0:00
0:00
Các tuyến vận tải biển huyết mạch của thế giới từ Biển Đỏ đến vịnh Aden bị ảnh hưởng nặng nề do xung đột địa chính trị ngày càng leo thang ở Trung Đông.

Thương mại và vận tải ngày càng bị chính trị hóa

Hơn 80% kim ngạch thương mại hàng hóa toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển, nên bất kỳ sự gián đoạn nào trong thương mại hàng hải đều có thể tác động sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu vốn đã bị cảnh báo tăng trưởng chững lại trong năm 2024.

Eo biển Hormuz là điểm bùng phát tiềm năng mới nhất trong hoạt động giao thương, bởi đây là trung tâm của nhiều căng thẳng địa chính trị trong những năm qua, nhưng lại gánh trọng trách vận chuyển khoảng 1/5 lượng dầu mỏ thế giới. Các nhà kinh tế cao cấp của Tập đoàn ING (Hà Lan) cảnh báo, bất kỳ sự gián đoạn nào qua eo biển Hormuz cũng có thể gây ra tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, cản trở các tuyến thương mại quan trọng và kéo dài thời gian vận chuyển, dẫn đến trì hoãn sản xuất và lạm phát cao hơn.

Song, eo biển Hormuz không phải nơi duy nhất mang đến mối quan ngại sâu sắc về an ninh. Lâu nay, eo biển Mandab - một trong những tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới với năng lực xử lý khoảng 15% giá trị thương mại hàng hải toàn cầu - đã bị gián đoạn đáng kể do các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào các tàu hàng trong thời gian qua. Phần lớn các tàu hàng vẫn tránh di chuyển vào khu vực Biển Đỏ, với số lượt di chuyển hàng ngày giảm 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của IMF PortWatch.

Ở phía bên kia địa cầu, tình trạng hạn hán ở kênh đào Panama - nơi xử lý 5% giá trị thương mại hàng hải toàn cầu - dần cải thiện khi số lượt vận chuyển hằng ngày đã tăng lên 27 chuyến trong tháng 3/2024, từ 24 chuyến trong tháng 1/2024 và 22 chuyến trong tháng 12/2023. Tuy nhiên, năng lực vận chuyển qua kênh đào Panama vẫn thấp hơn mức trung bình hằng ngày thông thường là 34 - 40 lượt quá cảnh và lưu lượng hàng hóa được kỳ vọng sẽ trở lại vào năm 2025.

Do căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, các vùng biển đầy rủi ro đã lan từ Biển Đỏ đến vịnh Aden và eo biển Hormuz cũng có thể bị cuốn vào đó. Mới đây, lực lượng Iran đã bắt giữ một tàu container cắm cờ Bồ Đào Nha mang tên MSC Aires.

Tờ The Times of Israel dẫn lời Bộ Ngoại giao Iran cho biết, tàu MSC Aries bị bắt giữ vì “vi phạm luật hàng hải”, đồng thời nói thêm rằng, “không có nghi ngờ gì về việc tàu này có liên quan đến Israel”. MSC được cho là thuê tàu Aries từ Gortal Shipping, một chi nhánh của Zodiac Maritime, trong khi đó, Zodiac có một phần thuộc sở hữu của Eyal Ofer, doanh nhân người Israel.

“Từ tất cả những gián đoạn ở Biển Đỏ, chúng tôi ý thức được rằng, rủi ro gia tăng có thể nhanh chóng ảnh hưởng đến các tuyến thương mại một khi thuyền viên và hàng hóa bị đe dọa và phí bảo hiểm rủi ro tăng lên. Như vậy, thương mại ngày càng bị chính trị hóa. Điều đáng lưu ý ở đây là, một khu vực hàng hải khác cũng nằm trong phạm vi rủi ro địa chính trị là eo biển Đài Loan, cửa ngõ vào các cảng lớn của Trung Quốc”, các nhà phân tích của ING cảnh báo.

Eo biển Hormuz mang sứ mệnh khó thay thế

Trong thương mại quốc tế, rất khó để định lượng tác động tài chính của một hoặc hai biến cố/xung đột, cho dù chúng có liên quan đến địa chính trị hay không. Chẳng hạn, sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez do siêu tàu Ever Given mắc cạn vào năm 2021 đã gây ra tổn thất ước tính từ 0,2 đến 0,4 điểm phần trăm giá trị thương mại toàn cầu, trong khi đó, mực nước thấp ở sông Rhine (Đức) làm tiêu tốn 0,3% GDP do chi phí vận chuyển và thương mại cao hơn cũng như sự chậm trễ trong sản xuất.

Eo biển Hormuz là nút thắt hàng hải quan trọng nối vịnh Ba Tư với vịnh Oman, nó mang trọng trách vận chuyển dầu thô, các sản phẩm dầu mỏ và LNG.

Có thể hình dung qua con số sau: Saudi Arabia, Iraq, UAE, Kuwait, Iran và Qatar sản xuất 22,8 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhưng khoảng 20 triệu thùng được vận chuyển hàng ngày qua Hormuz, tương đương 20% mức tiêu thụ dầu thô và sản phẩm tinh chế toàn cầu.

Nếu Iran gây ra gián đoạn hoặc chặn dòng dầu đi qua eo biển Hormuz, họ sẽ không phải là quốc gia duy nhất chịu thiệt hại. Iraq, Qatar và Kuwait sẽ chịu chung ảnh hưởng, vì họ thường vận chuyển 100% lượng dầu thô xuất khẩu qua Hormuz.

Không giống như Biển Đỏ, eo biển Hormuz gần như “độc đạo” và không có lựa chọn thay thế thực sự nào. Kể cả đường ống dẫn dầu thô Đông - Tây (Abqaiq - Yanbu) và đường ống dẫn dầu thô Abu Dhabi được xem là những lựa chọn thay thế cho Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Thế nhưng, đường ống dẫn dầu thô Đông - Tây lại được thiết kế băng qua bán đảo Ả Rập đến Biển Đỏ - khu vực chứng kiến căng thẳng leo thang thời gian qua.

Ngoài dầu mỏ, eo biển Hormuz cũng “nghẹt thở” vì khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Chỉ riêng Qatar, nhà xuất khẩu LNG lớn thứ ba thế giới, trong năm 2023 đã vận chuyển 108 tỷ m3 LNG qua Hormuz, chiếm khoảng 20% tổng giao dịch LNG toàn cầu. Một khi Qatar tăng công suất LNG lên hơn 170 tỷ m3 vào năm 2027, Hormuz sẽ càng nắm vị trí trọng yếu đối với dòng chảy LNG toàn cầu.

Ở phía cầu, rõ ràng, vì ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào LNG kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022, châu Âu sẽ rất nhạy cảm trước bất kỳ gián đoạn nào trên thị trường LNG.

Sức nóng ở Biển Đỏ và eo biển Hormuz đã len lỏi vào giá dầu khi giới giao dịch ngày càng lo ngại thiếu hụt nguồn cung nếu tình hình căng thẳng Trung Đông tiếp tục leo thang.

Sức nóng ở Biển Đỏ và eo biển Hormuz đã len lỏi vào giá dầu khi giới giao dịch ngày càng lo ngại thiếu hụt nguồn cung nếu tình hình căng thẳng Trung Đông tiếp tục leo thang. Theo LSEG Oil Research, hầu hết lượng dầu thô và khí ngưng tụ được vận chuyển qua eo biển Hormuz đều đến thị trường châu Á, khiến các nền kinh tế ở châu lục này đứng trước nguy cơ bị cắt giảm nguồn cung tiềm năng. Tuy nhiên, do tính chất toàn cầu của thị trường dầu mỏ, tất cả các khu vực sẽ đều bị ảnh hưởng bởi giá dầu tăng lên nếu vận tải biển bị mắc kẹt.

Hiện tại, nguồn cung dầu mỏ vẫn được giữ ổn định, mặc dù nguy cơ căng thẳng ở Trung Đông có thể khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Giá dầu chưa có bất kỳ phản ứng đáng kể nào sau cuộc tấn công gần đây của Iran vào Israel chủ yếu do phần bù rủi ro lớn đã được lường tính trước trên thị trường. Giá dầu thô Brent tăng từ hơn 86 USD/thùng vào đầu tháng 4 lên hơn 90 USD/thùng khi xuất hiện những cảnh báo rằng Iran sẽ đáp trả cuộc không kích bị nghi ngờ của Israel vào đại sứ quán nước này ở Syria.

Thị trường dầu mỏ đang chờ xem Israel sẽ phản ứng thế nào đối với các hành động gây hấn. Giới phân tích đánh giá, rủi ro đối với nguồn cung dầu mỏ đang ở mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Bất kỳ sự leo thang nào nữa sẽ chỉ đẩy thị trường dầu đến gần hơn mức tổn thất nguồn cung thực tế.

Một nhóm nhà phân tích của Tập đoàn ING chỉ ra rằng, xét ở phía cầu, thì những trở ngại kinh tế hiện nay cũng có thể bù đắp hạn chế về nguồn cung ở một mức độ nào đó, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc - một trong những quốc gia tiêu thụ nhiều dầu mỏ nhất thế giới - và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang được cải thiện, nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp.

“Với rất nhiều rủi ro mà thị trường phải đối mặt, chúng tôi sẽ không phải là những người duy nhất theo dõi chặt chẽ căng thẳng ở Trung Đông và những điểm tắc nghẽn hàng hải quan trọng đó”, Inga Fechner, Rico Luman và Warren Patterson, 3 nhà kinh tế cấp cao tại ING, cho biết.

Trong khi đó, Financial Express, tờ báo kinh tế của Ấn Độ cho rằng, căng thẳng leo thang ở Trung Đông đang đe dọa sự ổn định mong manh của khu vực, đồng thời lưu ý tác động tiềm tàng của nó đối với nền kinh tế toàn cầu.

Ông Christian Roeloffs, Giám đốc điều hành Container xChange (công ty dữ liệu), lo ngại sự xuất hiện của những lỗ hổng trên các tuyến hàng hải then chốt của thế giới bởi chúng có thể gây ra những tác động tiềm ẩn đối với mạng lưới vận chuyển và thương mại toàn cầu. Đại diện Container xChange cho biết, những căng thẳng mới đây ở Trung Đông đã làm gia tăng mối lo ngại về an ninh của các tuyến thương mại quan trọng, điển hình là 2 eo biển Mandab và Hormuz.

Tin bài liên quan