Xúc tiến xuất khẩu, bao giờ hết cảnh cò con?

Xúc tiến xuất khẩu, bao giờ hết cảnh cò con?

(ĐTCK) Cơ quan xúc tiến thương mại chưa làm tròn vai trong công tác hỗ trợ, doanh nghiệp (DN) phải tự mò mẫm tìm kiếm khách hàng là vấn đề lớn đặt ra hiện nay trong hoạt động xúc tiến xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường đầu ra cho DN.

Từ kinh nghiệm lăn lộn trên thị trường nông sản để tạo dựng chuỗi giá trị và đầu ra cho DN, “vua chanh leo” Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nafood Group cho rằng, điểm yếu nhất hiện nay khiến DN Việt Nam luôn bị động trong khâu thị trường chính là mối liên kết trong chuỗi giá trị còn rất lỏng lẻo.

Nhiều DN xuất khẩu ít tổ chức mạng lưới phân phối chính thống mà chỉ dựa vào tư thương, dẫn tới giá nông sản trồi sụt bấp bênh. Trong khi đó, vai trò của Nhà nước trong chuỗi giá trị, cũng như hoạt động xúc tiến thương mại còn rất mờ nhạt, chưa kết nối được với nhu cầu của DN. Điều này khiến cả Nhà nước và DN đều tốn công sức, nhưng hiệu quả thương mại không tương xứng. 

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hoàng, giám đốc một DN nuôi trồng thủy sản tại TP.HCM cho biết, vấn đề khó khăn nhất là thông tin thị trường đầu ra, nhất là với các DN nhỏ không đủ nguồn lực để tự chủ động tìm kiếm thông tin khách hàng và thị trường xuất khẩu. Kết quả là dù biết các hiệp định thương mại tự do, CPTPP và tới đây là EVFTA đang mở ra nhiều cơ hội nhưng DN vẫn loay hoay không biết tìm kiếm thông tin thị trường ở đâu, làm thế nào để tận dụng các lợi thế để mở rộng đầu ra cho sản phẩm…

“Đói thông tin thị trường là thực trạng rất phổ biến đối với DN hiện nay, nhất là DN nhỏ. Đối với chúng tôi, dù chỉ muốn thâm nhập thị trường ASEAN, chưa nói đến thị trường xa hơn, nhưng cũng không nắm bắt được danh sách khách hàng tiềm năng cũng như đối thủ cạnh tranh, không có thông tin về sản phẩm trên thị trường. Trong khi đó, các nội dung này chưa được cơ quan xúc tiến thương mại hỗ trợ một cách cụ thể và thiết thực”, ông Hoàng chia sẻ.

Thừa nhận thực trạng này, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, một trong những cơ quan nhà nước chuyên trách về công tác xúc tiến thương mại cho rằng, hiện nay, nhu cầu hỗ trợ thông tin thị trường và xúc tiến xuất khẩu của DN là rất lớn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu.

Chia sẻ tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2019 vừa diễn ra mới đây, ông Phú cho biết, DN nhỏ và vừa chiếm đa số lực lượng DN, nhưng lại là đối tượng có nhiều hạn chế về nguồn lực, nếu phải tự bươn chải tìm các ngách vào thị trường xuất khẩu là quá sức. Do đó, một vấn đề lớn đặt ra với cơ quan xúc tiến thương mại hiện nay là làm tròn vai trò trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường, hỗ trợ thông tin đầu ra cho DN, cũng như tăng cường cung cấp thông tin, kết nối DN với nhà nhập khẩu.

Trong bối cảnh này, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, để tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại, cần thay đổi cơ bản cách thức xúc tiến thương mại theo hướng thiết thực và hiệu quả hơn. Ở chiều ngược lại, DN cũng cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất và giá trị sản phẩm xuất khẩu nhằm đáp ứng tiêu chuẩn tại các thị trường mới, có như vậy mới mang lại những chuyển biến hiệu quả cho kinh doanh - xuất khẩu.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh Võ Trí Thành lưu ý, để hưởng lợi từ các FTA đã ký kết, DN không chỉ phải thoả mãn hàng loạt các điều kiện khó như quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật mà còn phải gắn kết với nhà nhập khẩu, chủ động tìm kiếm thị trường, chăm sóc khách hàng.

Theo đó, DN cần đa dạng hóa hoạt động, tận dụng các kênh xuất khẩu tại chỗ như tham gia chuỗi cung ứng cho các tập đoàn nước ngoài lớn tại Việt Nam. Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, thương mại số cũng là kênh hữu hiệu để các DN Việt Nam có thể khai thác đẩy mạnh xuất khẩu.

Tin bài liên quan