Xúc tiến thành lập Hội đồng thống kê quốc gia

Xúc tiến thành lập Hội đồng thống kê quốc gia

Thực hiện Chiến lược Phát triển thống kê Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế đang nghiên cứu thành lập Hội đồng Thống kê quốc gia (NSC) phục vụ yêu cầu sản xuất thông tin thống kê chính xác, khách quan, phù hợp với thông lệ quốc tế. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trao đổi về một số vấn đề liên quan đến nội dung này.

Chắc ông ủng hộ việc thành lập NSC?

Trên thế giới hiện có 91 quốc gia đã thành lập NSC và 5 quốc gia đang xúc tiến thành lập NSC theo một trong 2 mô hình: tổ chức tư vấn cho cơ quan thống kê quốc gia làm thế nào để nội dung thống kê phù hợp hơn với thực tế, nghĩa là, những chỉ tiêu gì mà xã hội, nhà quản lý, Chính phủ cần thì phải cung cấp thông tin, số liệu kịp thời, đầy đủ, toàn diện, khách quan, trung thực; hoặc NSC đóng vai trò là tổ chức điều phối các hoạt động thống kê.

 

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập toàn diện với kinh tế thế giới, nhưng không phải trên thế giới có tổ chức nào thì mình cũng phải thành lập?

Đúng vậy, nhưng muốn thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất và phổ biến thông tin thống kê trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời và minh bạch phục vụ các cơ quan, lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thì việc thành lập NSC là rất cần thiết.

Thành lập NSC còn đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân theo thông lệ quốc tế, trước hết là phục vụ việc giám sát, đánh giá quá trình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước và chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng, miền, địa phương giai đoạn 2011 - 2020.

Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, phổ biến thông tin thống kê và yêu cầu đổi mới, hoàn thiện công tác thống kê tập trung; thống kê bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp được đặt ra trong Chiến lược Phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cần phải có một tổ chức thực hiện chức năng tư vấn với các thành phần tham dự là đại diện các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp. Trên cơ sở tư vấn của tổ chức này, cơ quan thống kê mới có thể cung cấp thông tin, số liệu trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời và minh bạch.

 

Nước ta hiện có khoảng 40 tổ chức được thành lập dưới hình thức ủy ban, hội đồng, ban chỉ đạo, hội đồng quản lý, nhưng nhiều tổ chức hoạt động rất ít hiệu quả. Vì thế, một số chuyên gia lo ngại, NSC cũng nằm trong tình trạng “có cũng như không”?

Tại cuộc hội thảo liên quan đến vấn đề này mới được Tổng cục Thống kê tổ chức, một số ý kiến lo ngại rằng, nếu không có quy định cụ thể về hoạt động, NSC cũng giống như nhiều hội đồng, ủy ban, ban chỉ đạo, hội đồng quản lý khác hoạt động rất yếu. Thậm chí, có tổ chức cả năm không tổ chức được cuộc họp nào, nhiều người còn không biết mình đang là thành viên, do làm kiêm nhiệm…

Chính vì vậy, nếu đề xuất thành lập NSC được chấp thuận, chúng tôi sẽ xây dựng quy chế hoạt động rõ ràng; thành viên của NSC ngoài kiến thức, trình độ phải dành thời gian tham gia các hoạt động của Hội đồng. NSC phải bảo đảm cơ cấu thành viên theo lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, nhất là lĩnh vực đang được xã hội quan tâm.

 

Ông tin rằng, hoạt động của NSC không rơi vào tình trạng như nhiều hội đồng quốc gia khác?

Theo tôi được biết, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia hoạt động rất hiệu quả, một mặt do lĩnh vực tài chính - tiền tệ được xã hội hết sức quan tâm, mặt khác do quy chế hoạt động của hội đồng này rất khoa học.

Chất lượng số liệu thống kê của nước ta cũng đang là vấn đề nóng và được cả xã hội quan tâm, vì vậy, thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng số liệu thống kê buộc NSC không thể hoạt động “nửa vời” hay “có cũng như không”.

Tôi cho rằng, nếu thành phần, tổ chức, quy chế hoạt động của NSC khoa học sẽ hạn chế và tiến tới chấm dứt được sự phản ứng của xã hội về số liệu thống kê, đại loại như “Bất thường trong thống kê”, “Những con số như được cài đặt”, “Gian nan tiếp cận số liệu thống kê”, “Bệnh thành tích đã trở thành mãn tính”, “Số liệu thống kê méo mó”, “Việt Nam có 2 số liệu thống kê”… từng được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.