Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hoạt động xúc tiến xuất khẩu đang được mở rộng sang khu vực Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hoạt động xúc tiến xuất khẩu đang được mở rộng sang khu vực Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi.

Xúc tiến mạnh đưa hàng Việt sang Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á

0:00 / 0:00
0:00
Khi các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...sụt giảm sức mua, hoạt động xúc tiến thương mại đưa hàng Việt đang được đẩy mạnh sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á...

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công thương, Đỗ Thắng Hải tại Hội nghị giao ban công tác xúc tiến thương mại khu vực phía Bắc năm 2023, diễn ra sáng ngày 3/3 tại Lạng Sơn, với sự tham gia của 28 tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc, nhiều hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều thách thức, đơn hàng giảm do nhiều thị trường lớn giảm đặt hàng, đặt ra cho ngành Công thương nhiều áp lực hơn trên đường về đích mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm nay.

Suy giảm kinh tế toàn cầu đã tác động đến sản xuất và xuất khẩu nhanh hơn dự kiến. 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 6,3% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập giảm khoảng 13% (xuất khẩu ước đạt 49,45 tỷ USD, giảm 10,4%; nhập khẩu ước đạt 46,6 tỷ USD, giảm 16%).

Một trong những giải pháp được chú trọng ngay từ đầu năm là đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Trong đó, ngành Công thương thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi; tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng; tận dụng tốt cơ hội Trung Quốc mở cửa.

" Tận dụng hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã ký kết, đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống, xúc tiến thương mại sang các thị trường mà hàng Việt còn nhiều triển vọng được xác định là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả, góp phần cải thiện 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu giải pháp.

Cùng với triển khai hoạt động xúc tiến thương mại ngay từ đầu năm, các địa phương, doanh nghiệp và ngành hàng đã có kịch bản chuẩn bị thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, đặc biệt nông sản có tính mùa vụ tránh tình trạng ùn ứ, được mùa mất giá.

Đối với thị trường Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2, chỉ sau Mỹ cũng được đầu tư bài bản hơn để đáp ứng các quy tiêu chuẩn, nhất là với nông thủy sản để tăng tốc xuất khẩu chính ngạch.

Xuất nhập khẩu qua đường biên giới sôi động trở lại trong 2 tháng đầu năm 2023, đó là lý do Bộ Công thương lựa chọn Lạng Sơn để tổ chức Hội nghị giao ban công tác xúc tiến thương mại khu vực phía Bắc năm 2023.

Lạng Sơn là một trong những địa phương trọng điểm có hoạt động xuất nhập khẩu đường bộ qua biên giới, có 02 cửa khẩu quốc tế, 01 cửa khẩu quốc gia, 09 cửa khẩu phụ đã được đầu tư tương đối đồng bộ.

Năm ngoái, dù bị tác động bởi chính sách chống dịch ngặt nghèo, nhưng Việt Nam vẫn xuất khẩu gần 58 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc, tăng trưởng hơn 3%.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc, gắn với xây dựng thương hiệu đang là trọng tâm của sản xuất nông nghiệp, hướng tới mục tiêu xuất khẩu bền vững.

Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc thường xuyên trao đổi, kết nối thông tin về các chính sách, định hướng phát triển thương mại quốc tế, quy định của phía Trung Quốc đối với hàng nông sản xuất nhập khẩu qua biên giới.

"Xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản qua các tỉnh biên giới vẫn là chủ trương nhất quán và lâu dài cùng với việc thúc đẩy mở rộng và đa dạng hóa thị thường vì Trung Quốc vẫn là thị trường có nhu cầu lớn và việc xuất khẩu trực tiếp qua đường bộ cũng tiết giảm được thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp", bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định.

Với các thị trường còn lại, để tiếp cận được khách hàng, Bộ Công thương lưu ý các ngành hàng, doanh nghiệp hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa chuyển đổi theo mô hình xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước, với 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 69,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 03 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 45,9%).

Nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản đã sụt giảm sâu, đạt khoảng 6,28 tỷ USD, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, nhờ việc mở cửa trở lại, Trung Quốc đã trở lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng nông, lâm thủy sản, đạt 1,27 tỷ USD (chiếm 20,2% thị phần).

Trong thời gian tới, với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến xuất khẩu và việc có thêm những sản phẩm nông nghiệp được xuất chính ngạch, như sầu riêng, tổ yến..., xuất khẩu sang Trung Quốc kỳ vọng có sự cải thiện mạnh mẽ hơn.

Tin bài liên quan