Ký kết hợp tác giữa IPA Quảng Ninh và Luật Vietthink.

Ký kết hợp tác giữa IPA Quảng Ninh và Luật Vietthink.

Xúc tiến đầu tư tại Quảng Ninh: Đẩy mạnh hợp tác nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà tư vấn

Sáng 14/4, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh (IPA Quảng Ninh) và Công ty Luật TNHH Vietthink (Luật Vietthink) đã phối hợp tổ chức tọa đàm với nội dung “Xúc tiến đầu tư hiệu quả - Nhìn từ kinh nghiệm của Quảng Ninh”.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Luật Vietthink và IPA Quảng Ninh trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp đang đầu tư tại Quảng Ninh

Tại buổi tọa đàm, đại diện IPA Quảng Ninh, Sở Kế hoạch Đầu tư, Ban Quản lý KKT, Trung tâm hành chính công tỉnh và các chuyên gia đã có những chia sẻ về việc xúc tiến đầu tư thế nào cho hiệu quả.

Theo kinh nghiệm của IPA Quảng Ninh được ông Nguyễn Đức Tiệp, Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư của Ban chia sẻ, việc xúc tiến đầu tư phải là chuỗi liên tiếp 3 quá trình: trước – trong – sau đầu tư. Cụ thể, IPA Quảng Ninh phải xây dựng chương trình và tiến hành quảng bá cho môi trường, hình ảnh và chính sách thu thú đầu tư của tỉnh; tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp và thúc đẩy để nhà đầu tư đi đến quyết định đầu tư. Sau đó hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục để triển khai thực hiện dự án. Cuối cùng là hỗ trợ chăm sóc sau nhà đầu tư và vận động chính sách.

Còn theo ông Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink, hiện nay làn sóng cạnh tranh giữa các tỉnh, thành phố trong cuộc đua nâng cao năng lực cạnh tranh, để tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư đang rất quyết liệt. Vậy nên, Quảng Ninh nếu chỉ tập trung vào khai thác những lợi thế tĩnh về vị trí địa lý, cảnh quan tự nhiên, tài nguyên khoáng sản sẽ là không đủ và không bền vững để tạo lợi thế cạnh tranh đặc thù của địa phương.

"Quảng Ninh cần dựa trên những yếu tố “mềm” với phương pháp, cách đi, cách làm riêng và sáng tạo để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển mới, đồng thời phù hợp với tình hình thực tiễn. Điều này thì Quảng Ninh đã và đang làm rất tốt, khi thời gian gần đây có rất nhiều sáng kiến được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm như nhất thể hóa chức danh lãnh đạo, thành lập trung tâm hành chính công…”, ông Vinh nhấn mạnh.

Bởi vậy, theo đề xuất của ông Vinh, Quảng Ninh cần thúc đẩy việc xúc tiến đầu tư theo hướng đẩy mạnh hợp tác 3 nhà: nhà quản lý - nhà đầu tư - nhà tư vấn. Hay nói cách khác là mở rộng hợp tác trong hoạt động xúc tiến đầu tư.

Phân tích cụ thể hơn, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty Luật Vietthink cho biết, nhiều địa phương vẫn còn nhận thức một cách giản đơn rằng, xúc tiến đầu tư là tổng thể các hoạt động, công cụ nhằm thu hút đầu tư vào địa phương mình. Từ đó, một điều dễ nhận thấy là các kế hoạch xúc tiến đầu tư của các địa phương thường chủ yếu tập trung vào việc quảng bá hình ảnh và giới thiệu thông tin về môi trường, chính sách đầu tư của địa phương để thu hút các nhà đầu tư. Hiệu quả xúc tiến đầu tư của một địa phương được đánh giá chủ yếu thông qua kết quả thu hút vốn đầu tư mới vào địa phương đó. Trong khi đó, vấn đề quan trọng nhất là nhà đầu tư có ở lại và ở lại đến mức độ nào (mở rộng đầu tư, có tái đầu tư, chuyển giao công nghệ,…) thì chưa được quan tâm đúng mức.

“Khi một địa phương thu hút được các nhà đầu tư đặt chân đến thì đó mới chỉ là thành công bước đầu. Giữ được chân nhà đầu tư ở lại lâu dài và tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư tại địa phương thì đó mới là thành công thực sự và bền vững”, bà Hà bày tỏ quan điểm.

Thực tế, trong quá trình đầu tư, nhà đầu tư cũng có nhu cầu rất lớn về các dịch vụ đầu tư như tư vấn về thị trường, lao động, pháp lý, tài chính và hỗ trợ các thủ tục cấp phép và tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Do đó, vai trò nhà tư vấn trong việc xúc tiến đầu tư là rất quan trọng.

Đóng góp ý kiến cho việc nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư của Quảng Ninh, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, việc thu hút đầu tư đang bị đánh đồng các đối tượng với nhau. Điều này dẫn đến việc rập khuôn trong công tác xúc tiến đầu tư nên hiệu quả thấp.

Để việc xúc tiến đầu tư hiệu quả, cần phải có chương trình xúc tiến dành riêng cho nhóm các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư quy mô nhỏ. Và với nhóm đối tượng này thì có thể làm theo cách thức mà các địa phương thường làm. Còn đối với các nhà đầu tư lớn là các Tập đoàn xuyên quốc gia thì cần chủ động tìm hiểu về họ, đặc biệt là chiến lược đầu tư. Có như thế, mới có thể xây dựng được một kế hoạch xúc tiến đầu tư chủ động, hiệu quả để cung cấp được những cái nhà đầu tư cần. “Chỉ khi làm được điều này, ta mới tăng được sức cạnh tranh trong xúc tiến đầu tư”, GS Nguyễn Mại khẳng định.

Đóng góp thêm cho IPA Quảng Ninh, TS. Nguyễn Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN cho rằng, địa phương phải đảm bảo được tính chủ động cao nhất của IPA Quảng Ninh và bản thân IPA Quảng Ninh phải đáp ứng được tính chuẩn xác trong sử dụng nguồn nhân lực. Mối quan hệ giữa IPA với các cơ quan quản lý nhà nước khác (Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư,…) phải có sự phân định rõ ràng, không để có sự mâu thuẫn về quyền lực. Đặc biệt, ông Hạnh nhấn mạnh đến yếu tố rủi ro pháp lý. Đây là điều khiến các nhà đầu tư rất quan tâm. Vậy nên, theo ông Hạnh, trong quá trình xúc tiến đầu tư ngay từ ban đầu, có sự đồng hành của đơn vị tư vấn pháp lý là rất quan trọng và cần thiết.

Kết thúc buổi tọa đàm, IPA Quảng Ninh và Luật Vietthink đã kỹ kết biên bản thỏa thận hợp tác trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ pháp lý và xúc tiến đầu tư. Theo đánh giá của ông Trương Mạnh Hùng, Phó trưởng ban thường trực của IPA Quảng Ninh, mô hình  hợp tác này cho phép phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên để đem lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp, đồng thời góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh.

Tin bài liên quan