Xuất siêu nhìn từ các thị trường chủ yếu

0:00 / 0:00
0:00
Trong 8 tháng, Việt Nam xuất siêu gần 5,5 tỷ USD, ngược chiều với nhập siêu 3,6 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Kỳ vọng cả năm, xuất siêu có thể vượt mốc 8 tỷ USD, cao gấp đôi năm trước.
Việt Nam ở vị thế xuất siêu với 52 thị trường.

Việt Nam ở vị thế xuất siêu với 52 thị trường.

Trong 86 thị trường xuất nhập khẩu chủ yếu, Việt Nam ở vị thế xuất siêu với 52 thị trường (tổng xuất siêu 117,59 tỷ USD), nhiều gấp rưỡi so với 34 thị trường nhập siêu (tổng nhập siêu 112,99 tỷ USD).

Trong 52 thị trường Việt Nam xuất siêu, có 21 thị trường Việt Nam xuất siêu khá (trên 500 triệu USD), trong đó, các thị trường Việt Nam xuất siêu lớn (trên 1 tỷ USD) gồm Mỹ (67,08 tỷ USD), Hà Lan (6,55 tỷ USD), Hồng Kông (6,06 tỷ USD), Canada (5 tỷ USD), Anh (3,66 tỷ USD), Đức (3,63 tỷ USD), UAE (2,59 tỷ USD), Mexico (2,57 tỷ USD), Bỉ (2,39 tỷ USD), Italy (1,87 tỷ USD), Philippines (1,79 tỷ USD), Tây Ban Nha (1,70 tỷ USD), Áo (1,53 tỷ USD), Pháp (1,45 tỷ USD), Ba Lan (1,41 tỷ USD).

Tổng xuất siêu của 21 thị trường này đạt 108,28 tỷ USD, chiếm 92,1% tổng số của các thị trường xuất siêu, riêng Mỹ chiếm 57%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của 52 thị trường xuất siêu đạt 150,70 tỷ USD, chiếm 59,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó xuất khẩu sang Mỹ đạt 77 tỷ USD, chiếm 30,5% tổng số. Tổng kim ngạch nhập khẩu của 52 thị trường xuất siêu đạt 42,42 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, thấp hơn nhiều so với tỷ trọng về xuất khẩu của các thị trường này.

Các yếu tố tạo nên vị thế xuất siêu của Việt Nam với 52 thị trường trên có nhiều.

Trước hết là thế mạnh về nguồn hàng của Việt Nam. Việt Nam có lợi thế về thời tiết, khí hậu thích hợp với nhiều loại cây trồng, trong đó có một số loại có vị thế hàng đầu khi xuất khẩu ra thế giới. Việt Nam có diện tích và bờ biển dài, có nhiều diện tích nuôi trồng thủy hải sản, nên có lượng thủy hải sản xuất khẩu lớn… Việt Nam thu hút lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn và các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn, trong đó có những mặt hàng có kỹ thuật - công nghệ khá, xuất khẩu sang nhiều nước…

Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước, với những ưu đãi về thuế suất…

Chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái và tỷ giá sức mua tương đương của Việt Nam dù đã giảm (từ trên 5 lần cách đây một vài thập kỷ, nay còn 2,44 lần), nhưng thuộc loại cao so với nhiều nước (cao thứ 8/11 của Đông Nam Á, thứ 22/39 của châu Á và thứ 47/114 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có số liệu so sánh). Chênh lệch cao của Việt Nam góp phần làm cho hàng xuất khẩu có lợi thế so với các thị trường có chênh lệch thấp hơn, nhập khẩu bất lợi thế so với các nước và vùng lãnh thổ có chênh lệch cao hơn. Điều đó có nghĩa là, Việt Nam dễ xuất siêu với các thị trường có chênh lệch thấp hơn.

Cụ thể, chênh lệch của 14/15 thị trường mà Việt Nam xuất siêu trên 1 tỷ USD có chênh lệch thấp hơn so với Việt Nam (Mỹ là 1 lần, Canada 1,07 lần, Hà Lan 1,13 lần, Anh 1,13 lần, Áo 1,15 lần, Bỉ 1,17 lần, Đức 1,19 lần, Pháp 1,2 lần, Hồng Kông 1,28 lần, Italy 1,32 lần, Tây Ban Nha 1,4 lần, UAE 1,84 lần, Ba Lan 2,18 lần, Mexico 2,21 lần.

Tin bài liên quan