Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 10/2023 đạt 27,02 tỷ USD, giảm 3,83 tỷ USD so với nửa cuối tháng 9/2023.
Lũy kế đến 15/10, tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 522,94 tỷ USD, giảm 10,9%, tương ứng giảm 63,84 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 359,96 tỷ USD, giảm 47,47 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa 15 ngày qua thặng dư 1,35 tỷ USD, lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/10/2023, xuất siêu 22,55 tỷ USD.
Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu nửa đầu tháng 10 đạt 14,18 tỷ USD, giảm 2,12 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 9/2023, giảm ở một số nhóm hàng như: máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 738 triệu USD, hàng dệt may giảm 235 triệu USD, sắt thép các loại giảm 188 triệu USD.
Như vậy, tính đến hết 15/10/2023, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 272,75 tỷ USD, giảm 8,1% tương ứng giảm 24,07 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Điện thoại các loại & linh kiện giảm nhiều nhất, 6,23 tỷ USD, hàng dệt may giảm 4,01 tỷ USD, giày dép các loại giảm 3,67 tỷ USD, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 3,35 tỷ USD.
Xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 01/01/2023 đến 15/10/2023 và cùng kỳ năm 2022 |
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận, trị giá xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 10/2023 đạt 10,29 tỷ USD, giảm 1,67 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 9/2023. Tính hết 15/10/2023, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt 199,29 tỷ USD, giảm 19,54 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Ở chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu trong kỳ 1 đạt 12,84 tỷ USD, giảm 1,71 tỷ USD so với nửa cuối tháng 9/2023, trong đó, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 494 triệu USD, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng giảm 296 triệu USD.
Tính đến hết 15/10/2023, tổng trị giá nhập khẩu cả nước đạt hơn 250 tỷ USD, giảm 39,77 tỷ USD so với cùng kỳ 2022.
Điện thoại các loại & linh kiện giảm 10,25 tỷ USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác giảm 4,22 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 1,96 tỷ USD; sắt thép các loại giảm 1.98 tỷ USD; tương ứng giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 01/01/2023 đến 15/10/2023 và cùng kỳ năm 2022 |
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ đạt 8,02 tỷ USD, giảm 1,46 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 9/2023. Lũy kế đến 15/10/2023, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 160,7 tỷ USD, giảm 27,93 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 64,4% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Xuất siêu tăng cao từ đầu năm đến nay một mặt góp phần ổn định cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng thực tế lại là thông tin không mấy vui, bởi do thiếu đơn hàng, nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng hóa đã giảm mạnh hơn xuất khẩu.
Nhập khẩu hàng hóa giảm diễn ra mạnh ở khối FDI, với trị giá nhập khẩu giảm xấp xỉ 28 tỷ USD, trong khi khối doanh nghiệp trong nước giảm nhập khẩu gần 12 tỷ USD.