Xuất nhập khẩu khó chinh phục mốc 700 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu trên 700 tỷ USD trong năm 2023 là một thách thức cực lớn, bởi trong 2 tháng cuối năm, mỗi tháng cần đạt 71 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu phục hồi, nhưng vẫn chậm

Xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10/2023 đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ, nhưng trên mức nền tương đối thấp của cuối năm ngoái và mức độ phục hồi còn chậm.

Theo Báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 10 và 10 tháng năm 2023 của Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng tháng 10 đạt 61,62 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước đó và tăng 5,6% so với cùng kỳ.

Tính chung 10 tháng, xuất nhập khẩu đạt 558 tỷ USD, giảm 9,6% (cùng kỳ năm trước đạt 617,4 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu giảm 7,1% (cùng kỳ đạt 313,5 tỷ USD, tăng 16,2%); nhập khẩu giảm 12,3% (cùng kỳ đạt 303,9 tỷ USD).

Về xuất khẩu, sau khi sụt giảm xuất khẩu trong tháng 9 (giảm 6,3%), xuất khẩu tháng 10 lấy lại đà tăng trưởng, đạt 32,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước đó và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Bộ Công thương cho hay, xuất khẩu các mặt hàng chính trong tháng 10 đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái, do sự phục hồi ở phía cầu và mức nền tương đối thấp của các tháng cuối năm 2022.

Đồ họa: Thanh Huyền

Đồ họa: Thanh Huyền

Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục phục hồi tốt trong tháng 10, với kim ngạch xuất khẩu tăng 4,6%. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng, xuất khẩu nhóm hàng này giảm 8,3%, đạt 247,34 tỷ USD, chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu của hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ít nhất 2 ngành hàng xuất khẩu trên chục tỷ USD là dệt may, giày dép cầm chắc tăng trưởng âm. Xuất khẩu dệt may 10 tháng giảm 12,5%, giày dép giảm 20,2% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện giảm 12,6% (đạt 44,02 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 7,1% (đạt 35,51 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ giảm 19,9% (đạt 10,8 tỷ USD).

Chỉ một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2022, như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 0,7%, đạt 47 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (tăng 18,1%, đạt 11,58 tỷ USD).

"Mặc dù xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ… đã có tín hiệu phục hồi hơn trong thời gian gần đây, nhưng nhìn chung, đà phục hồi còn chậm", ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công thương nói.

Về nhập khẩu, tháng 10/2023 ghi nhận, nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất đạt 26,09 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Biểu hiện rõ nhất, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 8,2 tỷ USD, tăng tới 26,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,5 tỷ USD, tăng 2,4%; vải các loại tăng 8%, thép các loại tăng 35,2%; xăng dầu các loại tăng 44,8%...

Tính chung, nhập khẩu sau 10 tháng hụt khoảng 37 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu, nên trong tháng 10/2023, Việt Nam xuất siêu 3 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 10 tháng năm 2023 lên 24,61 tỷ USD.

Mục tiêu 700 tỷ USD rất thách thức

Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 731,3 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mốc 700 tỷ USD.

Để chinh phục mốc 700 tỷ USD trong năm nay, trong 2 tháng cuối năm, mỗi tháng cần đạt 71 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa. Đây là bài toán vô cùng thách thức.

Dự báo, những tháng cuối năm nay vẫn khó khăn do cạnh tranh chiến lược của các nước lớn ngày càng gay gắt, sự bất định gia tăng, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm… Trước tình hình đó, Bộ Công thương, các ngành hàng đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy xuất khẩu.

Đơn cử, tại Hoa Kỳ, thị trường lớn nhất của hàng xuất khẩu Việt Nam, ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, Thương vụ đang đẩy mạnh kết nối nhà mua hàng nước này với các doanh nghiệp Việt, hỗ trợ đưa sản phẩm của Việt Nam đưa vào hệ thống phân phối của Hoa Kỳ.

Để tăng tốc xuất khẩu cuối năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, cần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới. Đẩy nhanh đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE, các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Brazil, Khối thị trường chung Nam Mỹ…

Tin bài liên quan