Xuất nhập khẩu chậm lại vì nghỉ Tết

0:00 / 0:00
0:00
Xuất nhập khẩu trong tháng đầu tiên của năm 2025 chậm lại so với tháng cuối cùng năm 2024 và cùng kỳ năm ngoái, nhưng điều này không đáng ngại, bởi tháng 1 cũng là thời điểm có ngày nghỉ lễ Tết Nguyên đán kéo dài, nhiều nhà máy giảm công suất.

Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 33 tỷ USD

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 63,15 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng giảm 2,25 tỷ USD).

Trong đó, xuất khẩu mang về 33,09 tỷ USD, giảm 1,41 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu là 30,06 tỷ USD, giảm 2,6% (tương ứng giảm 740 triệu USD).

Xuất nhập khẩu chậm lại trong tháng đầu tiên của năm không đáng ngại, bởi như thông lệ hàng năm, các tháng có kỳ nghỉ Tết kéo dài đều là khoảng gian kéo hoạt động thương mại giảm so với các tháng khác. Những tháng sau đó, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ dần lấy lại đà tăng trưởng.

Tết Nguyên đán Ất Tỵ diễn ra trong tháng 1, nên số ngày làm việc ít hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Cụ thể, số ngày làm việc của tháng 1/2025 ít hơn tháng 1/2024 là 5 ngày.

Dù vậy, Việt Nam vẫn duy trì đà xuất khẩu với 7 nhóm hàng có trị giá trên 1 tỷ USD, trong đó máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện - ngành hàng dẫn đầu xuất khẩu từng đem về 72,6 tỷ USD trong năm 2024 vẫn giữ “phong độ” với mức tăng trưởng 13,3% so với cùng kỳ, trị giá 6,050 tỷ USD; hàng dệt may gần 3,2 tỷ USD, tăng 1,8%.

Nhưng 5 nhóm hàng trên tỷ USD còn lại đều suy giảm, trong đó điện thoại và linh kiện giảm tới 13,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 4%; phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 10,2%; gỗ và sản phẩm gỗ cũng như giày dép cùng giảm 3,7%.

Trong nhóm sản phẩm ngành nông nghiệp, cà phê tiếp tục duy trì tăng trưởng dương, khi mang về 730 triệu USD, tăng 3%; thủy sản tăng 3,5%; hạt tiêu tăng 25,1%. Một số nhóm hàng tăng trưởng kỷ lục trong năm ngoái giảm sâu gồm: rau quả giảm 23,3%; hạt điều giảm 27,5%; gạo giảm 5,6% so với tháng 1/2024.

Sự suy giảm xuất khẩu cũng tỷ lệ thuận với trị giá xuất khẩu sang các thị trường chủ lực. Theo đó, xuất khẩu sang Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1 đạt 9,8 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 5,8 tỷ USD, giảm 2,2%; sang khu vực ASEAN đạt 2,8 tỷ USD, giảm 14%; sang EU đạt 4 tỷ USD, giảm 12,6%...

Đưa xuất khẩu tăng trở lại

Sau khi xuất khẩu năm 2024 cán đích gần 406 tỷ USD, cũng đánh dấu kỷ lục của xuất khẩu hàng hóa nước ta, xuất siêu gần 25 tỷ USD, trong năm 2025, Bộ Công thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu khoảng 12%, tức cán mốc trên 450 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, tăng trưởng xuất khẩu đạt từ 12% trở lên trong năm nay là một mục tiêu rất thách thức. Để đạt mục tiêu này, trung bình mỗi tháng xuất khẩu phải tăng 4 tỷ USD so với mức bình quân tháng của năm 2024, trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Do đó, các ngành hàng, doanh nghiệp phải tận dụng tối đa cơ hội để tăng tốc thực hiện các đơn hàng xuất khẩu ngay sau kỳ nghỉ Tết.

Chưa kể, biến động địa chính trị và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn như Mexico, Canada, Trung Quốc… cũng khiến xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị tác động bởi cuộc chiến tranh thương mại và chính sách áp thuế của chính quyền Mỹ.

Nguy cơ rủi ro thị trường thương mại thế giới có thể xảy ra từ các cuộc trả đũa thương mại của các nước. Vì vậy, cần phân tích và nắm chắc tình hình, ứng phó trước cuộc chiến thương mại.

Năm nay, dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 47- 48 tỷ USD, tăng 3-4 tỷ USD so với năm ngoái. Theo nhận định của ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, nhưng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, từng doanh nghiệp đều phải chắt chiu cơ hội thị trường, khai thác lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, mở rộng tệp khách hàng, thị trường mới…”.

Bối cảnh thế giới hiện nay diễn biến khó lường, tác động trực tiếp tới nước ta, nhất là tới xuất khẩu, sản xuất, kinh doanh, kinh tế vĩ mô. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu dự báo, phân tích thật sát tình hình, các vấn đề mới nổi lên. Đó là khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới, nếu có sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp các thị trường xuất khẩu, đề xuất giải pháp để phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, bất ngờ, không để lỡ thời cơ.

Trong một góc nhìn khác, tại báo cáo mới công bố của HSBC, tổ chức này cho rằng, với bối cảnh thương mại như hiện tại, khu vực châu Á có thể hưởng lợi. Đó là việc tăng cường thương mại và đầu tư nội khối với việc tận dụng các FTA như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), với các thành viên ASEAN và Đông Bắc Á, hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với sự tham gia của 12 nền kinh tế từ châu Á và châu Mỹ.

“Chính sách thiên về giảm nhập khẩu của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể vô tình tạo động lực cho châu Á thay đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới”, theo HSBC.

Với Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, các chuyên gia thương mại cho rằng, giải pháp cần tập trung mạnh mẽ là giảm dần thâm hụt thương mại, minh bạch xuất xứ, tăng sử dụng nguyên liệu trong nước, lưu ý tới danh mục hàng hóa bị cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại để phòng tránh.

Tin bài liên quan