Xuất nhập khẩu CFS (KLF): Vốn lớn, lãi nhỏ, dòng tiền âm

Xuất nhập khẩu CFS (KLF): Vốn lớn, lãi nhỏ, dòng tiền âm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS (KLF) đạt 2,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2020, tăng mạnh so với năm 2019, nhưng lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 292,2 tỷ đồng.

KLF có vốn điều lệ hơn 1.653,5 tỷ đồng, tương ứng hơn 165,3 triệu cổ phiếu. Trong quý IV/2020, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của KLF giảm 65,7% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ đạt 155,6 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do dịch bệnh Covid-19 tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty.

Lợi nhuận sau thuế trong quý cuối năm 2020 âm 4,16 tỷ đồng, giảm lỗ 78,5% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ lỗ 18,98 tỷ đồng) nhờ doanh nghiệp thắt chặt quản lý chi phí.

Luỹ kế cả năm 2020, KLF đạt 1.349,8 tỷ đồng doanh thu, giảm 26,25%; lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 3,2 tỷ đồng và 2,1 tỷ đồng, tương ứng tăng 60% và 50% so với năm 2019.

Trước đó, KLF đặt kế hoạch năm 2020 với 1.200 tỷ đồng doanh thu, giảm 36% và 15 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 7,4 lần năm 2019. Kết quả, Công ty thực hiện vượt 13% mục tiêu doanh thu, nhưng chỉ hoàn thành 22% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.

Đáng lưu ý, nợ vay và lãi vay trong năm 2020 tăng cao. Đầu năm, KLF có 82,22 tỷ đồng các khoản vay ngắn hạn (chủ yếu là vay các ngân hàng thương mại), tính đến cuối năm, con số này là 444,95 tỷ đồng, tăng 5,4 lần. Theo đó, chi phí lãi vay trong năm 2020 gấp 16,58 lần năm 2019, tăng từ 1,83 tỷ đồng lên 30,35 tỷ đồng.

Về các khoản đầu tư, KLF không ghi nhận dự phòng tổn thất trong năm 2020, trong khi năm 2019, con số dự phòng tổn thất là 8,5 tỷ đồng.

KLF có 2 khoản đầu tư tài chính vào công ty liên doanh, liên kết gồm Công ty cổ phần FLC Travel và Công ty TNHH Hải Châu.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2020, KLF chưa xác định được giá trị hợp lý của các khoản đầu tư tài chính này do chuẩn mực kế toán Việt Nam, chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xác định giá trị hợp lý. Trong khi đó, tại ngày 1/1/2020, giá trị hợp lý của 2 khoản đầu tư tài chính được xác định là 265,95 tỷ đồng.

Xét về rủi ro thanh khoản, là rủi ro doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính do thiếu vốn, chủ yếu phát sinh từ việc các tài sản tài chính và nợ phải trả tài chính có các thời điểm đáo hạn khác nhau, tại ngày 31/12/2020, KLF có gần 541 tỷ đồng các khoản phải trả (vay và nợ, phải trả người bán, phải trả khác, chi phí khác) có thời hạn thanh toán từ 1 năm trở xuống; 557 triệu đồng các khoản phải trả có thời hạn 1 - 5 năm.

Theo KLF, mức độ tập trung rủi ro đối với việc trả nợ là thấp. Công ty có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn từ dòng tiền hoạt động kinh doanh và tiền thu từ các tài sản tài chính đáo hạn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dòng tiền kinh doanh của KLF chưa có nhiều cải thiện, vẫn đang trong tình trạng âm. Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm 2020 âm 292,2 tỷ đồng (năm 2019 âm 527,4 tỷ đồng).

Thời điểm cuối năm, các khoản phải thu khách hàng của KLF là 567,57 tỷ đồng, tăng 42% so với đầu năm. Trong đó, khoản phải thu của Công ty TNHH Newlan Holdings Việt Nam tăng 6,5 lần, lên 214,48 tỷ đồng.

Nửa cuối năm 2020, KFL có một số thay đổi đáng chú ý về nhân sự, bao gồm bổ nhiệm Kế toán trưởng mới là bà Trần Thanh Thuỷ từ ngày 2/11/2020 và ông Nguyễn Thanh Tùng, thành viên Hội đồng quản trị được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kể từ ngày 18/8/2020, thay thế ông Nguyễn Đức Công.

Bên cạnh việc hợp tác đầu tư, kinh doanh sắt thép, vật liệu xây dựng, giáo dục, KLF đang mở rộng kinh doanh lĩnh vực du lịch - hàng không, phân phối hàng tiêu dùng, nông sản và thương mại khác. Trong đó, những hoạt động nổi bật là golf tour trong nước và quốc tế, dịch vụ vé máy bay, phân phối nước đóng chai Natuza và Bamboo, phân phối thuốc bảo vệ thực vật.

Tin bài liên quan