Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2017, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,4 triệu tấn cà phê thu về 3,2 tỷ USD. Đây là con số rất thành công cho ngành nông nghiệp, nhưng ở góc độ tiêu dùng, chúng ta có một con số khác đáng suy ngẫm, đó là hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khoảng 60.000 tấn cà phê đã chế biến từ nhiều nước.
Điều này đã tạo ra những cuộc tranh luận dai dẳng về xu hướng “đồ ngon thì xuất khẩu hết, muốn uống đồ tốt phải mua hàng nhập khẩu”. Tuy nhiên, với những người trong cuộc, đây là một “nỗi oan”.
Hướng đến chế biến sâu
Anh Hoàng Minh Tuấn (TP.HCM), người có thâm niên cả chục năm trong nghề kinh doanh cà phê cho biết, dù xuất khẩu cà phê chế biến sâu khó và đầu tư tốn kém hơn nhiều so với xuất khẩu cà phê nhân thô, nhưng giá trị thu về cũng cao hơn gấp nhiều lần.
Ngoài ra, nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê nhờ vào việc chế biến sâu, thúc đẩy tiêu dùng hàng nội địa còn góp phần làm cho nhà xuất khẩu cà phê có vị thế tốt hơn khi đàm phán với các nhà nhập khẩu.
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn như Vinacafé, Nestlé Việt Nam, đã đầu tư tập trung cho công nghệ chế biến sâu.
Nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nước ta có khoảng 20 nhà máy chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, cà phê hòa tan phối trộn, với công suất hơn 75 nghìn tấn sản phẩm/năm.
Bằng sự nỗ lực của nhiều doanh nghiệp, từ một nước chỉ được biết đến là quốc gia xuất khẩu cà phê nguyên liệu, Việt Nam đã vươn lên đứng hàng thứ 5 trong số những nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn trên thế giới, đóng góp rất lớn vào ngân sách nhà nước.
“Gu” cà phê không phải ai cũng như nhau…
Hàng năm, Việt Nam thường nhập khoảng 60.000 tấn cà phê đã qua chế biến từ các nước như: Brazil, Mỹ, Trung Quốc, Indonesia, Lào, Campuchia… về phục vụ thị trường nội địa.
Điều này cho thấy, nhu cầu uống cà phê của người tiêu dùng Việt Nam khá đa dạng. Vì vậy, việc cho rằng “cà phê Việt Nam có nghịch lý là của ngon bán ra nước ngoài”, phải chăng phủ nhận chất lượng sản phẩm nội địa, đụng chạm đến "gu” của người yêu cà phê, kể cả văn hóa thưởng ngoạn cà phê?
Anh Lê Hoàng Nguyên (trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một “tín đồ” cà phê. Mỗi sáng, anh đều nhấm nháp một ly cà phê để vừa thỏa mãn “cơn thèm”, vừa để tỉnh táo trong giờ làm việc.
“Tôi đã uống các loại cà phê, với giá thành khác nhau của nhiều thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước. Sau cùng, tôi chọn loại cà phê đã chế biến, pha trộn hương liệu, bởi nó có mùi, vị dễ uống hơn”, anh Nguyên chia sẻ.
Còn với chị Lê Thị Thuy Thùy (TP.HCM), người đã đi đến nhiều quốc gia trên thế giới, cho biết, ở mỗi thành phố đi qua, chị đều thưởng thức cà phê, nhưng chị thích cà phê Brazil hơn cả.
Trong khi đó, một số người bạn nước ngoài của chị lại “nghiền” thưởng thức cà phê rang xay ở Việt Nam, mà không cần quan tâm lắm đến thương hiệu.
“Mỗi người có khẩu vị, sở thích và khả năng tài chính khác nhau, nên chúng tôi lựa chọn cà phê nội hoặc ngoại theo cách riêng của mình”, chị Thủy cho hay.
Cà phê xuất khẩu.
Hiện nay, ở đâu đó vẫn đang tranh luận về cà phê nội địa, xuất khẩu với những nghịch lý... Tuy nhiên, trên thực tế, cà phê Việt đã, đang thu hút khách hàng trong nước, cũng như quốc tế và vẫn luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, chứ không phải theo cách nhìn, gom của ngon bán ra nước ngoài.
Do đó, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, thay vì tranh luận về cà phê nội địa hay xuất khẩu, các thành viên thị trường hãy quan tâm nhiều hơn đến việc tập trung “hiến kế” để phát triển hơn nữa ngành cà phê Việt Nam.
Đặc biệt, những ngày gần đây, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm đến tiêu chuẩn uống cà phê sạch mà vẫn nguyên chất. Thông qua 2 tiêu chuẩn yêu cầu cho xuất khẩu là tiêu chuẩn UTZ & BRC.
Tiêu chuẩn châu Âu cho cà phê Việt nguyên chất
UTZ và BRC chính là phương thức chuyển tải thực tế của ý tưởng "From Farm To Table", chuẩn quốc tế cho cà phê chất lượng, nguyên chất. Chứng tỏ sản phẩm cung cấp đạt đúng quy trình từ khâu trồng, thu hoạch cho tới thành phẩm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (cà phê sạch).
Đây là 2 tiêu chuẩn giúp sự nhận thức về an toàn sức khỏe và chất lượng thực sự. Nó cũng giúp người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Đặc biệt, nó giúp người tiêu dùng Việt Nam hoàn toàn có thể uống cà phê chuẩn châu Âu ngay tại trong nước.