Xuất khẩu đỡ cho tiêu thụ nội địa
Xuất khẩu xi măng, clinker tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong quý I/2021, tăng 16% về lượng và gần 7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 10,15 triệu tấn và khoảng 314 triệu USD. Trong khi đó, năm 2020, nếu xuất khẩu nhiều mặt hàng sụt giảm mạnh do dịch bệnh, thì xuất khẩu xi măng và clinker tăng hơn 4 triệu tấn so với năm 2019, vượt 38 triệu tấn, mang về 1,46 tỷ USD.
Ở bình diện chung của ngành, xét về sản lượng, thì kênh xuất khẩu đã “cứu” các doanh nghiệp khỏi cảnh dư thừa do nguồn cung đã vượt cầu tới 40 triệu tấn.
Nguồn cung xi măng trong nước đang tăng lên do việc đầu tư mở rộng vẫn tiếp diễn, dù đã được điều chỉnh cho phù hợp với tốc độ tiêu thụ xi măng dựa trên tăng trưởng kinh tế và Chiến lược Phát triển ngành xây dựng. Đến cuối năm 2020, Việt Nam có 90 dây chuyền sản xuất clinker, xi măng với tổng công suất 107 triệu tấn (tính theo 80% clinker + 20% phụ gia), thực tế có thể sản xuất khoảng 120-130 triệu tấn (70% clinker + 30% phụ gia).
Trong khi đó, lượng tiêu thụ nội địa những năm gần đây gần như không tăng, mà chững lại. Theo thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), nếu năm 2015, tiêu thụ nội địa đạt 55,68 triệu tấn, năm 2016 đạt 59,34 triệu tấn, năm 2017 nhích nhẹ lên 60,27 triệu tấn, năm 2018 đạt 63,94 triệu tấn, năm 2019 xấp xỉ 65 triệu tấn, thì đến 2020 giảm 3 triệu tấn, chỉ còn 62,12 triệu tấn. Tuy nhiên, nhờ xuất khẩu tăng vọt, tiêu thụ toàn ngành vẫn đạt trên 100 triệu tấn.
“Tiêu thụ thị trường nội địa đang chững lại ở mức 62 triệu tấn trong năm 2020, thị trường xuất khẩu tăng nhưng tiềm ẩn yếu tố không bền vững”, Báo cáo thường niên ngành xi măng năm 2020 do Hiệp hội Xi măng Việt Nam phát hành nhận định.
Theo Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset, xuất khẩu xi măng, clinker năm 2021 đang thuận lợi vì thị trường chủ lực là Trung Quốc, Philippines… vẫn có nhu cầu nhập khẩu một lượng lớn từ Việt Nam. Số liệu cho thấy, xuất khẩu xi măng, clinker sang thị trường Trung Quốc trong năm 2020 đạt gần 22 triệu tấn, tăng 5 triệu tấn so với năm 2019. Tuy nhiên, trong khi giá xuất khẩu trung bình sang các thị trường đạt 37,2 USD/tấn, thì giá xuất bán sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 33,2 USD/tấn.
Xuất khẩu nhiều, liệu có vui?
Với quy mô công suất vượt 100 triệu tấn và khả năng sản xuất còn lớn hơn, ngành xi măng Việt Nam được coi là có quy mô và sức ảnh hưởng đáng kể tới các thị trường trong khu vực. Trên toàn cầu, Việt Nam đang xếp thứ 5 về năng lực sản xuất xi măng, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga.
Tuy nhiên, ngành xi măng có rủi ro lớn do chi phí giá than và giá điện chiếm 40- 45% giá thành sản xuất clinker (vốn chiếm hơn 60% chi phí nguyên liệu đầu vào sản xuất xi măng). Ông Nguyễn Công Bảo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Fico-YTL cho biết, kênh xuất khẩu giúp tiêu thụ một sản lượng đáng kể trong ngành xi măng, nhưng chỉ cần giá than và điện tăng nhẹ, thì hiệu quả xuất khẩu sẽ giảm đi đáng kể.
Trung Quốc và Philippnes đang là địa chỉ tiêu thụ chính yếu của ngành xi măng, với tổng sản lượng 29 triệu tấn năm 2020. Sự phụ thuộc quá lớn vào 2 thị trường này cũng là một nguy cơ, bởi khi một trong 2 thị trường này điều chỉnh sản lượng nhập khẩu, doanh nghiệp xi măng sẽ trở tay không kịp.
Theo đại diện một doanh nghiệp xi măng phía Bắc, từ cuối năm 2020 đến nay, một số doanh nghiệp ngoại, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Thái Lan đang tìm hiểu ngành xi măng Việt Nam với mong muốn góp một tỷ lệ vốn nhất định vào một nhà sản xuất tư nhân để thuận đường xuất khẩu về nước với giá hợp lý. Các quốc gia này đã siết chặt quy định đầu tư xi măng, do đây là ngành thâm dụng tài nguyên khoáng sản và gây ô nhiễm môi trường.
Đại diện doanh nghiệp trên cũng xác nhận, giá xuất khẩu clinker hiện chỉ 34-35 USD/tấn, nhưng trong bối cảnh dư cung lớn, thì có những thời điểm, giá nào doanh nghiệp cũng phải xuất, thay vì chịu cảnh hàng tồn kho và các nhà nhập khẩu nắm rất chắc điều này.
“Xuất khẩu xi măng, clinker là con dao hai lưỡi. Trong ngắn hạn, việc xuất khẩu nhiều có thể giải tỏa năng lực sản xuất trong nước, nhưng về lâu dài, đây không phải là giải pháp bền vững. Xi măng là ngành khai thác tài nguyên không tái tạo, xuất khẩu nhiều sẽ làm cạn kiệt tài nguyên, nhất là trong bối cảnh bị ép giá, lợi nhuận không lớn”, đại diện doanh nghiệp trên phân tích.