Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Xi măng Vissai Ninh Bình. Ảnh: Chí Cường
Xuất khẩu tăng vượt dự báo
Trong khi nhiều ngành hàng bị chao đảo bởi Covid-19, thì xi măng dường như không chịu nhiều tác động. Ba năm liên tiếp (2018 - 2020), ngành xi măng đều xuất bán số lượng lớn, với giá trị vượt 1 tỷ USD/năm, riêng năm 2020 xuất khẩu hơn 38 triệu tấn, trị giá 1,46 tỷ USD.
Chưa dừng lại ở con số này, kết quả xuất khẩu xi măng 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục tăng vượt dự báo của ngành. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), nửa đầu năm 2021, ngành xi măng đã xuất khẩu gần 21 triệu tấn sản phẩm xi măng và clinker (gần bằng lượng xuất khẩu của cả năm 2017), trị giá 812 triệu USD, tăng lần lượt 27% và 32% so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) đánh giá, ngành xi măng vẫn đang duy trì sản xuất và tiêu thụ khá trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế chịu tác động mạnh bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư. Trong đó, kênh xuất khẩu có mức tăng tốt, do xi măng Việt Nam đã ít nhiều tạo được vị thế trên thị trường.
Những con số thống kê cho thấy, cơ cấu tiêu thụ xi măng và clinker giữa thị trường nội địa/xuất khẩu là 62%/38%, với xu hướng tăng dần tỷ trọng về xuất khẩu. Ngành xi măng đang trong tình trạng dư cung lớn, nên xuất khẩu là kênh chủ lực giúp ngành “giải phóng” công suất.
Sở dĩ xuất khẩu xi măng tăng mạnh là nhờ Trung Quốc thay đổi chính sách đầu tư đối với ngành này. Cụ thể, Trung Quốc giới hạn và giảm dần các nhà máy xi măng (chủ yếu vì mục đích môi trường), tăng nhập clinker từ nước ngoài, đặc biệt từ Việt Nam.
Còn nhiều rủi ro
Xuất khẩu tăng nhanh giúp doanh nghiệp thoát cảnh tồn kho, nhưng theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VCBS, do cơ cấu xuất khẩu clinker/xi măng là 63%/37%, đa phần xuất khẩu sang Trung Quốc là clinker (bán thành phẩm) có giá trị thấp hơn xi măng, do đó, giá trị xuất khẩu và giá xuất khẩu suy giảm.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan chỉ ra rằng, 4 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu xi măng của Việt Nam trung bình đạt 37,7 USD/tấn, trong đó, giá bình quân xuất sang Trung Quốc chỉ hơn 35 USD/tấn.
Việc phụ thuộc vào một vài thị trường chính khiến rủi ro đối với ngành xi măng Việt Nam gia tăng, khi một trong các thị trường này điều chỉnh chính sách nhập khẩu hoặc áp dụng tự vệ với hàng hóa nhập khẩu.
Ngay lúc này, ngành xi măng Việt Nam đang đối mặt với việc bị áp thuế chống bán phá giá, do Philippines khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm xi măng nhập khẩu.
Ông Cung cho biết, trước vụ việc trên, VNCA đã chủ trì phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) chỉ đạo các đơn vị sản xuất và xuất khẩu trong nước chủ động giải pháp ứng phó.
Dù vậy, những người trong ngành đều hiểu rõ, thị trường xi măng Việt Nam mất cân đối cung cầu từ nhiều năm nay. Quy mô công suất toàn ngành đạt trên 100 triệu tấn/năm, nhưng thị trường nội địa chỉ hấp thụ được gần 65% tổng công suất, dẫn đến sản lượng xuất khẩu tăng cao, song giá xuất khẩu lại thua nhiều quốc gia khác và thường xuyên bị đối tác ép giá.
Cụ thể, giá clinker xuất khẩu của Việt Nam thường thấp hơn các nước trong khu vực (Thái Lan, Indonesia…) khoảng 20%. Năm 2020, giá clinker xuất khẩu ước đạt 32 USD/tấn (giảm 15% so với cùng kỳ năm 2019), cũng là mức thấp nhất trong giai đoạn 2015 - 2020.
Công ty Chứng khoán VCBS nhận định, với riêng thị trường Trung Quốc, việc xuất khẩu tăng giúp doanh nghiệp dễ tìm đầu ra hơn, giúp giảm áp lực hàng tồn kho, giảm chi phí bán hàng và cải thiện dòng tiền. Tuy nhiên, do chủ yếu xuất clinker với giá thấp, trong khi giá than, điện, chi phí tiền lương tăng, các doanh nghiệp không hưởng lợi nhiều từ việc tăng xuất khẩu.
Đại diện một doanh nghiệp xi măng tại Hà Nam cũng chia sẻ, giá xuất khẩu clinker thấp hơn giá bán nội địa 10 - 17%, nhưng doanh nghiệp vẫn phải bán, vì không thể để hàng tồn kho và lò nung thì không thể ngừng hoạt động. Bởi vậy, để phát triển bền vững, ngành xi măng vẫn còn rất nhiều việc phải làm.