Số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 97 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI (không kể dầu thô) ước đạt 60 tỷ USD, tăng 15,8% và chiếm 61,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Còn nếu kể cả dầu thô, con số này là 65,2 tỷ USD, tăng 15,6%.
Như vậy, công lớn tiếp tục được ghi cho khối doanh nghiệp FDI. Số liệu thống kê cho thấy, khu vực này đóng góp tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu tăng thêm của cả nước, với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, như điện thoại di động các loại và linh kiện, dệt may, da giày, máy vi tính, điện tử và linh kiện...
Chỉ tính riêng hai nhóm hàng thuộc diện công nghệ cao, là điện thoại di động và máy vi tính, điện tử, tổng kim ngạch xuất khẩu đã ước đạt trên 18,854 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2014, chiếm 19,44% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong số này, phần lớn là đóng góp của các doanh nghiệp FDI, thậm chí với sản phẩm điện thoại di động, tỷ trọng của khu vực FDI lên tới 99,5%.
Chưa có con số cụ thể của 8 tháng đầu năm, song số liệu chính thức của Tổng cục Hải quan cho biết, 7 tháng đầu năm, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp 13,268 tỷ USD trên tổng số 13,328 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện. Trong khi đó, với nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, con số này là 5,444 tỷ USD/5,525 tỷ USD. Còn với mặt hàng xuất khẩu khá mới - máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, khối doanh nghiệp FDI, cũng gần như chiếm ưu thế tuyệt đối, với 756,9 triệu USD/795,88 triệu USD.
Làn sóng đầu tư của các tập đoàn công nghệ vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử, chính là câu trả lời cho việc những năm gần đây, xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao đã gia tăng nhanh chóng.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 2009, khi nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) bắt đầu đi vào hoạt động, với tổng vốn đăng ký 670 triệu USD và đã nhanh chóng tăng vốn đầu tư lên 2,5 tỷ USD vào năm ngoái. Cùng với tốc độ tăng vốn đầu tư, kim ngạch xuất khẩu của nhà máy này cũng gia tăng mạnh mẽ. Năm ngoái, con số được ghi nhận ở mức 23,9 tỷ USD - một thành tích chưa từng có đối với bất kỳ doanh nghiệp nào ở Việt Nam.
Sau khi thành công với SEV, Samsung đã đầu tư tiếp dự án thứ hai ở Thái Nguyên (SEVT), với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD và tính đến hết tháng 7/2014, nghĩa là chỉ sau 5 tháng đi vào hoạt động, nhà máy này đã đạt kim ngạch xuất khẩu 2,6 tỷ USD. Theo kế hoạch, năm nay, SEVT có thể xuất khẩu khoảng 8 tỷ USD. Cộng thêm kim ngạch xuất khẩu của SEV, thì năm 2014, riêng Tập đoàn Samsung đã đóng góp khoảng 30 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Chưa kể, cùng với Samsung, là sự xuất hiện của Nhà máy Nokia Việt Nam, vốn đầu tư 302 triệu USD, cũng ở Bắc Ninh, mà nay thuộc sở hữu của Microsoft Mobile Oy. Năm ngoái, vì mới bắt đầu đi vào hoạt động và vì chủ yếu sản xuất điện thoại di động cơ bản, nên đóng góp cho xuất khẩu của Nokia chưa cao.
Song thông tin mới được công bố cho biết, Microsoft đã thay đổi chiến lược hoạt động và đã quyết định đóng cửa toàn bộ hoặc một phần các nhà máy sản xuất tại Komarom (Hungary), Bắc Kinh, Quảng Đông (Trung Quốc) và Reynosa (Mexico), để chuyển về Việt Nam và đưa Nokia Việt Nam trở thành nhà máy chủ lực trong việc sản xuất thiết bị điện thoại di động của Microsoft. Theo đó, khoảng 39 dây chuyền để sản xuất điện thoại smartphone sẽ được chuyển về Việt Nam để phục vụ việc sản xuất của Nhà máy Nokia Bắc Ninh.
Với sự dịch chuyển này, dự báo, trong thời gian tới, nhà máy này gia tăng sản lượng gấp 3 lần so với thời điểm cuối năm 2013 và sẽ có đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Con số được nhắc tới vào khoảng 76,4 triệu sản phẩm, kim ngạch xuất khẩu 1,86 tỷ USD.
Cùng với hai đại gia Samsung, Nokia, sự xuất hiện của Intel, Canon, Panasonic... và hàng loạt tên tuổi khác, đặc biệt là sắp tới đây có thêm nhà máy của LG ở Hải Phòng đi vào hoạt động, thì kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sẽ tăng lên nhanh chóng.
Song, một cách thẳng thắn, khi đề cập những đóng góp cho xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI, các chuyên gia kinh tế luôn đặt câu hỏi: Việt Nam được bao nhiêu trong tổng kim ngạch xuất khẩu không hề nhỏ đó? Câu trả lời luôn là không đáng kể và đó chính là mặt trái của tấm huy chương xuất khẩu lớn của doanh nghiệp FDI.
“Chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao”. Nhận định này gần như có mặt trong tất cả các bản báo cáo về tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI. Và đó là một thực tế.
Mặc dù vậy, dựa trên những thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư có được, thì một bộ phận doanh nghiệp công nghệ cao đang đóng đóng không nhỏ cho giá trị gia tăng của quốc gia. Chẳng hạn, năm ngoái, SEV đạt giá trị gia tăng 7,6 tỷ USD. 6 tháng đầu năm nay, con số này là 3,4 tỷ USD (xuất khẩu 10,6 tỷ USD và nhập khẩu 7,2 tỷ USD). Với Canon Quế Võ, chênh lệch xuất nhập khẩu là 222 triệu USD (xuất khẩu 381 triệu USD, nhập khẩu 159 triệu USD). Còn Nokia, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu 500 triệu USD và nhập khẩu 314 triệu USD, đạt giá trị gia tăng 186 triệu USD...
Tuy tỷ lệ giá trị gia tăng chưa thật lớn, song đó cũng là những đóng góp rất có ý nghĩa và có được kết quả này là do, thời gian qua, sự có mặt của các tập đoàn Samsung, Nokia đã góp phần không nhỏ vào thu hút các nhà đầu tư vệ tinh. Nhờ vậy, các nhà máy sản xuất đã mua được nguyên vật liệu trong nước và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Tới đây, tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng và giá trị gia tăng trong lĩnh vực này cũng sẽ tiếp tục được cải thiện.
Dù vậy, sẽ là tốt hơn rất nhiều, nếu các doanh nghiệp Việt Nam cũng tham gia được vào chuỗi giá trị này. Và cũng sẽ tốt hơn, nếu không chỉ lĩnh vực điện tử, mà cả các lĩnh vực khác, đặc biệt là dệt may, da giày cũng phát triển được công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế quốc gia.