Bơi” trong công nghệ
Việt Nam thuộc Top 10 trên thế giới về tỷ trọng doanh thu xuất khẩu tính trên GDP (ở mức 93,6% so với mức trung bình của thế giới là 30%) và chỉ đứng sau một số quốc gia như Singapore, Malta, Ireland. Xuất khẩu có vị trí then chốt đối với sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, ước tính chỉ có 1% doanh nghiệp xuất khẩu biết cách ứng dụng xuất khẩu trực tuyến để tạo ra đơn hàng.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, để mở rộng thị trường và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp cần chú trọng thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến, phát triển các hoạt động xuất khẩu thương mại dịch vụ. Đây được cho là “cánh cửa” quan trọng để đưa hàng hóa Việt Nam đi xa hơn.
Bởi lẽ, cách mạng số giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường đa quốc gia chỉ bằng những cú click chuột, nút chạm tay. Nếu như trước đây, doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều chi phí để thuê chuyên gia tư vấn, tìm hiểu thị trường hoặc tham gia các triển lãm quốc tế giới thiệu sản phẩm thì nay tất cả có trên máy tính và chỉ cần tìm hiểu, tập hợp thông tin.
Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp chưa nắm vững kiến thức về công nghệ, về thương mại điện tử. Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp ngần ngại với dịch vụ vận chuyển, chi phí vận chuyển cũng như các thủ tục trên Internet, dù chi phí để có gian hàng trực tuyến không cao.
“Bơi trong công nghệ là vấn đề nhiều doanh nghiệp gặp phải. Chúng tôi phải thuê đội ngũ kỹ sư giỏi công nghệ thông tin để hướng dẫn cách tiếp cận thị trường mới thông qua thương mại điện tử, nhưng vấn đề không thể ngày một, ngày hai”, ông Nguyễn Văn Sinh, lãnh đạo một công ty xuất khẩu cà phê đóng gói chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Tập đoàn Internet Novaon nhận xét, nhiều doanh nghiệp Việt còn “đuối” trong sử dụng công cụ xuất khẩu trực tuyến để khẳng định vị thế của mình, điểm mấu chốt nhất là họ thiếu thông tin và kỹ năng sử dụng các ứng dụng.
Kiến thức, kỹ năng sẽ mở rộng cánh cửa xuất khẩu
Theo ông Sergio Arzeni, Chủ tịch INSME, mạng lưới quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp Việt Nam đang lãng phí nhiều cơ hội khi chưa tận dụng được thế mạnh của xuất khẩu trực tuyến, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu thương mại, dịch vụ thông qua thương mại điện tử. Ở Mỹ, thương mại dịch vụ phát triển mạnh mẽ, mang lại 75% công ăn việc làm, đồng thời xuất khẩu thương mại, dịch vụ đóng góp 732 tỷ USD trong năm 2016. Các quốc gia khác cũng nhìn thấy đây là một lĩnh vực hấp dẫn và chú trọng đẩy mạnh trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, ông Sergio Arzeni cho rằng, hạn chế lớn nhất khiến doanh nghiệp chưa phát triển xuất khẩu trực tuyến là do thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng về công nghệ để tìm kiếm đối tác.
“Các doanh nghiệp cần tìm hiểu chính sách, quy định cụ thể về giao dịch bán hàng trực tuyến, các thủ tục thuế quan, chi phí vận chuyển và cách thức vận chuyển để được giá thành tốt nhất, cạnh tranh nhất. Nếu thiếu các thông tin và kiến thức, doanh nghiệp dễ thất bại trong chốt đơn hàng vì chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, công nghệ làm chủ và là một lợi thế chứ không phải nhân công giá rẻ là lợi thế nữa”, Chủ tịch INSME nói.
Nâng cao kiến thức, trình độ về công nghệ, xuất khẩu là vấn đề được lãnh đạo Bộ Công thương nhiều lần chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp. Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nhấn mạnh, khi bước vào thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tận dụng công nghệ số, trong đó chú trọng vấn đề xử lý thông tin và bảo mật thông tin. Bên cạnh đó, chủ động tham gia các lớp học, các buổi tọa đàm về xuất khẩu trực tuyến, tìm hiểu, trau dồi kiến thức, kỹ năng liên quan để áp dụng.