Xuất khẩu trở lại mốc trên 30 tỷ USD/tháng

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu hàng hóa đã quay trở lại mốc trên 30 tỷ USD trong tháng 7, đánh dấu là tháng đầu tiên trong năm nay đạt được mức này, sau nhiều tháng dưới ngưỡng 30 tỷ USD.
Xuất khẩu hàng hóa của cả nước đã trở lại mốc trên 30 tỷ USD trong tháng 7/2023.

Xuất khẩu hàng hóa của cả nước đã trở lại mốc trên 30 tỷ USD trong tháng 7/2023.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 57,07 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước. Ở chiều xuất khẩu ấn tượng khi đạt 30,07 tỷ USD, tăng 2,1% và nhập khẩu đạt 27 tỷ USD, tăng 2,4%.

Đáng chú ý, tháng 7 là tháng đầu tiên trong năm 2023 kim ngạch xuất khẩu cả nước vượt 30 tỷ USD.

Xuất khẩu 7 tháng dù vẫn suy giảm trên 10,6% so với cùng kỳ nhưng sự bứt lên của hoạt động xuất khẩu trong tháng 7 thể hiện ở con số trên 30 tỷ USD cho thấy tín hiệu về nhu cầu hàng hóa hồi phục, tạo kỳ vọng cho xuất khẩu các tháng tiếp theo.

6 tháng đầu năm, tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất là tháng 3 cũng chỉ đạt 29,71 tỷ USD, trong khi tháng thấp nhất là tháng 1 với đợt nghỉ Tết Nguyên đán dài, nên kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 23,61 tỷ USD.

Trong báo cáo hoạt động công nghiệp thương mại tháng 7 và 7 tháng 2023, Bộ Công thương cho biết, xuất khẩu hàng hóa đón nhận tín hiệu tích cực hơn, khi 2 tháng gần nhất (tháng 6 và tháng 7) đều tăng so với tháng trước đó.

Động lực chính cho sự khởi sắc của hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng 7 đến từ nhóm hàng công nghiệp chế biến. Đơn cử xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chính có xu hướng tăng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước; dệt may 3,2 tỷ USD, tăng 4,6%; giày dép 1,85 tỷ USD, tăng 4,8%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 5,5%.

Nhóm hàng hóa nông sản, đặc biệt là 2 mặt hàng lúa gạo, rau quả đã lập kỷ lục xuất khẩu với mức tăng 68,1% và 29,6%, tương ứng 3,23 tỷ USD và 2,58 tỷ USD.

Bộ Công thương khẳng định, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc dù giảm nhập hàng hóa từ Việt Nam, nhưng nhưng các thị trường kể trên vẫn là điểm đến quan trọng trong 5 tháng còn lại của năm 2023 và quyết định tới mức tăng trưởng xuất khẩu của nước ta trong năm 2023.

7 tháng, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trên 52,4 tỷ USD, giảm 21,8%. Mức giảm này đang dần rút ngắn lại so với các tháng trước đó (6 tháng, xuất khẩu giảm 22,6%).

Do đó, 5 tháng còn lại, Mỹ vẫn là điểm đến cực quan trọng của hàng Việt. Riêng năm ngoái, thị trường này đã nhập 109 tỷ USD hàng hóa sản xuất từ Việt Nam thuộc các ngành điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử, dệt may, túi xách, thủy sản…

Đặc biệt, dữ liệu về kinh tế Mỹ trong thời gian tới dự báo tăng trưởng cao hơn dự kiến, tồn kho hàng hóa tiếp tục giảm là những yếu tố có tác động thuận lợi đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này.

Theo Báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố ghi nhận, tăng trưởng GDP quý II/2023 của nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt 2,4%, cao hơn ước tính 2% của Dow Jones (GDP quý I/2023 của Mỹ tăng trưởng 2%). Chi tiêu tiêu dùng đã tăng 1,6% trong quý II/2023.

Hay với Trung Quốc, trong năm ngoái đã nhập của Việt Nam gần 58 tỷ USD hàng hóa và với dấu hiệu hồi phục cầu tiêu dùng như hiện tại, xuất khẩu sang thị trường này năm nay sẽ vượt 60 tỷ USD.

Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% cho cả năm nay còn khá nặng gánh, có nghĩa, xuất khẩu trong các tháng còn lại sẽ phụ thuộc vào thị trường ấm lên cũng như sự năng động, linh hoạt của các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng chủ lực trong việc tìm kiếm đơn hàng mới.

Tin bài liên quan