Xuất khẩu thuỷ sản vượt 10 tỷ USD trong năm 2024, tăng 12,7%

Xuất khẩu thuỷ sản vượt 10 tỷ USD trong năm 2024, tăng 12,7%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bước sang năm 2025, tình hình thế giới và khu vực sẽ diễn biến phức tạp, khó lường hơn, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ đưa ra nhiều chính sách mới.

Tối ngày 23/12, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (Vasep) đã tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Vasep cho biết, năm nay mục tiêu trọng tâm của ngành thuỷ sản là đưa kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản hồi phục trở lại ở mức 10 tỷ USD.

Thời gian qua, hồi phục kinh tế thế giới còn chậm, ảnh hưởng đến tiêu thụ của ngành thuỷ sản. Bên cạnh đó, xung đột Nga – Ukraine, giao tranh ở Trung Đông và các vấn đề địa chính trị tiếp tục làm xáo trộn thương mại toàn cầu, đưa đến hệ luỵ chi phí vận tải tăng; giá sản phẩm đầu vào cho nhu cầu khai thác, chế biến thuỷ sản tăng cao gây ra cơn lốc lạm phát mới, làm giảm nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Vasep.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Vasep.

Nhưng với tinh thần sáng tạo, khả năng thích ứng linh hoạt, ngành thủy sản Việt Nam đã đạt được thành tích ấn tượng với giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2023. Các mặt hàng chủ lực đều có tăng trưởng tích cực như: tôm 4 tỷ USD, tăng 16,7%; cá ngừ gần 1 tỷ USD, tăng 17%; cá tra 2 tỷ USD, tăng 9,6%.

Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá, thuỷ sản là một trong những ngành hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực, có năng lực cạnh tranh cao, đi đầu trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Việt Nam. Tuy nhiên, dư địa để phát triển còn rất lớn bởi theo Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) ước tính thị trường cho thuỷ sản toàn cầu là gần 180 tỷ USD và duy trì tốc độ tăng trưởng rất khả quan.

“Do đó, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để đặt mục tiêu xa hơn, không chỉ là 10 tỷ USD” bà Hằng khẳng định.

Bước sang năm 2025, tình hình thế giới và khu vực sẽ diễn biến phức tạp, khó lường hơn, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền mới của Mỹ sẽ do ông Donald Trump lãnh đạo sẽ đưa ra nhiều chính sách mới. Theo bà Hằng sẽ có một số vấn đề mà ngành thuỷ sản cần quan tâm.

Thứ nhất là việc đa dạng hoá thị trường. Trong khả năng Mỹ có thể áp thuế với nhiều nước, đặc biệt Việt Nam là nước có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ hiện nay, doanh nghiệp cần đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá đối tác, ví dụ như thị trường Trung Đông, thị trường Halal...

Thứ hai là doanh nghiệp cần nắm bắt, tận dụng các xu hướng chuyển đổi lớn của thế giới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để thay đổi phương thức sản xuất, phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong thời gian tới.

Thứ ba là khai thác khai thác thị trường mới, nhất là vùng nguyên liệu của khu vực mới như châu Phi, Trung Đông… Những khu vực này có nguồn nguyên liệu mới, giá thành rẻ, và các nước cũng nhìn thấy tiềm năng của thủy sản Việt Nam, nên doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư, khai thác hoặc sử dụng nguyên liệu thô tại đây để đảm bảo nguyên liệu đầu vào.

Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Bà Hằng nhấn mạnh thêm, ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, cơ bản của ngành ngoại giao Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp các bộ ban ngành, doanh nghiệp (bao gồm các doanh nghiệp thuỷ sản) đồng hành, sát cánh hỗ trợ giúp doanh nghiệp phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, như xây dựng thương hiệu thuỷ sản Việt, tháo gỡ thẻ vàng IUU…

Cũng tại buổi lễ, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trong thời gian tới, cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, Ngành liên quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã, đang và tiếp tục luôn đồng hành cùng cộng đồng nông dân, ngư dân, doanh nghiệp trong ngành thủy sản, chỉ đạo quyết liệt tái cơ cấu, mở rộng sản xuất, rà soát, bổ sung cơ chế chính sách. Đồng thời kiên quyết gỡ bỏ những quy định không còn phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp.

“Năm 2025, sẽ còn nhiều thách thức mới đối với ngành thủy sản. Trong đó, việc giải quyết thẻ vàng IUU, thích ứng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các rào cản từ thị trường sẽ là mục tiêu quan trọng”, ông Tiến nói.

Tin bài liên quan