Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam: Thị trường Mỹ, EU có thể phục hồi mạnh nửa cuối năm

Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam: Thị trường Mỹ, EU có thể phục hồi mạnh nửa cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với tình hình khó đoán định, thị trường tiêu thụ thủy sản được cho là khó có thể phục hồi, hoặc nếu có thì sẽ phục hồi chậm, đặc biệt ở thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, thị trường Mỹ và EU được kỳ vọng sẽ phục hồi vào nửa cuối năm nay. 

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản giảm từ 10 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cá tra giảm sâu nhất tới 40%, tôm giảm 34%, cá ngừ giảm 31%, mực bạch tuộc giảm 12%. Tuy nhiên, vẫn có một số loại cá biển ghi nhận tăng trưởng dương như: cá cơm tăng 53%, cá nục tăng 14%, cá chỉ vàng tăng 20%...

Về các thị trường xuất khẩu, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, EU giảm lần lượt 48% và 33%, sang Trung Quốc giảm 25%, sang Hàn Quốc giảm 21%, sang Nhật Bản giảm 8%.

Riêng trong tháng 5, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng chưa có nhiều cải thiện.

Tại CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC), doanh thu ghi nhận 954 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp doanh thu doanh nghiệp sụt giảm hai chữ số so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, điểm tích cực là doanh thu tháng 5 đã cải thiện khoảng 10% so với mức của tháng 4 trước đó. Doanh thu từ thị trường Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đều giảm hai chữ số, lần lượt là 54%, 27% và 27%.

Tương tự, CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) ghi nhận doanh số tháng 5 đạt 10,9 triệu USD, giảm tới 44% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 22% so với tháng trước đó.

Trước tình hình trên, VASEP chỉ ra 3 nguyên nhân lớn nhất khiến xuất khẩu thuỷ sản giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Thứ nhất, lạm phát và lượng tồn kho tăng khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu và tại các thị trường giảm.

Thứ hai, cạnh tranh căng thẳng với các nước sản xuất khác về nguồn cung và giá, điển hình là Ecuador, Ấn Độ…

Thứ ba, sức khoẻ và sức chịu đựng của bà con nông ngư dân và doanh nghiệp thuỷ sản suy yếu vì chi phí sản xuất gia tăng, giá bán giảm, tiêu thụ chậm, tồn kho tăng, cạn kiệt vốn và khó tiếp cận vay vốn để duy trì sản xuất, xuất khẩu…

Đến nay, những biến động về cung - cầu xuất phát từ căn nguyên là xung đột và lạm phát chưa có tín hiệu khả quan, nên việc dự báo về thị trường cũng thiếu cơ sở và độ chắc chắn.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều doanh nghiệp thủy sản, từ nay tới cuối năm, thị trường tiêu thụ thủy sản khó có thể phục hồi, hoặc nếu có thì sẽ phục hồi chậm.

Ở một số thị trường lớn như Mỹ, EU, ngoài việc trông đợi tình hình kinh tế và lạm phát có chiều hướng tích cực hơn, vấn đề lớn là phải giải quyết được lượng tồn kho. Năm 2022, những thị trường này đã nhập khẩu ồ ạt, chưa kịp tiêu thụ đã gặp ngay cú sốc lạm phát, nên hàng tồn nhiều, giá bán hạ.

Bên cạnh đó, VASEP cho rằng, cơn lốc hàng giá rẻ của các nước khác như Ecuador và Ấn Độ gần như lấn át sản phẩm của Việt Nam tại những quốc gia này, nhất là mặt hàng tôm - sản phẩm chủ lực của nước ta. Do vậy, tín hiệu thị trường không mấy khả quan trong ngắn hạn.

Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc cũng bị sụt giảm nhu cầu vì lạm phát, nhưng không quá sâu, nhiều doanh nghiệp vẫn nhìn thấy ở 2 thị trường này điểm sáng lạc quan bởi vị trí của hàng giá trị gia tăng Việt Nam không bị cạnh tranh bởi các nước khác. Vì thế, chỉ cần lạm phát dần ổn định, xuất khẩu sang 2 thị trường này sẽ hồi phục nhanh hơn, bù đắp cho những thị trường còn lại.

Còn Trung Quốc, sau gần nửa năm, sự hồi phục của thị trường này vẫn ì ạch, thậm chí xuất khẩu thủy sản Việt Nam bị sụt giảm gần 30%. Thực tế, sau 3 năm kiểm soát chặt giao thương chống Covid, nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng khá nặng nề, thu nhập của người dân giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng. Do đó, nhu cầu tiêu thụ thực tế trong nước chưa thể phục hồi trong ngắn hạn, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc cần tập trung cho việc khôi phục sản xuất và ngành chế biến xuất khẩu trong nước.

Tuy nhiên, nửa cuối năm, VASEP cho rằng, diễn biến của thị trường này có thể sẽ khả quan hơn so với đầu năm, khi người dân Trung Quốc thích nghi hơn với bối cảnh mới, lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn và tiêu dùng cơ bản sẽ hồi phục dần dần.

Trong khi đó, CTCK VNDirect cho rằng, do nền tảng kinh tế vĩ mô của nền kinh tế Trung Quốc khó đoán định và sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác, dự báo xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc trong nửa cuối 2023 sẽ không tăng trưởng mạnh so với nửa đầu năm.

Còn nhu cầu thuỷ sản của Mỹ có thể sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 do lạm phát giảm, mức tồn kho giảm và nhu cầu cho các kỳ nghỉ cuối năm tăng sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ tăng 40 - 50% trong nửa cuối năm so với nửa đầu năm. VNDirect cũng đánh giá tương tự với thị trường EU, tức nhu cầu cá tra của Việt Nam sẽ ổn định hơn trong nửa cuối năm.

Tin bài liên quan