Xuất khẩu thủy sản: Sức mua giảm ở thị trường Mỹ, phải chờ đến Lễ Tạ ơn

0:00 / 0:00
0:00
Dịch Covid-19 và chiến sự Nga – Ukraine khiến chi phí đầu vào tăng mạnh, xói mòn lợi nhuận của người mua và doanh nghiệp, khiến sức cạnh tranh của sản phẩm thuỷ sản Việt Nam giảm mạnh.
Xuất khẩu thủy sản: Sức mua giảm ở thị trường Mỹ, phải chờ đến Lễ Tạ ơn

Sức mua giảm ở thị trường Mỹ

Tại Diễn đàn CEO “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản - Góc nhìn người trong cuộc” vừa tổ chức tại TP.HCM, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết hiện nguyên liệu thủy sản từ các nước đang tăng mạnh, có thể sẽ khiến giá nhập khẩu tại Mỹ giảm xuống, đồng thời cũng có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà cung cấp.

Giá thành giảm đi kèm với thủy sản tồn kho nhiều khiến các nhà nhập khẩu trở nên dè dặt hơn trong việc mua hàng với số lượng lớn. Hiện sẽ phải chờ đến khoảng đầu quý III, khi thị trường Mỹ chuẩn bị cho Lễ Tạ ơn thì mới có thêm đợt mua hàng lớn.

Cùng với đó, những ách tắc về hậu cần như chi phí vận chuyển cao, vận chuyển chậm trễ và thiếu container, chi phí đóng gói cao và xe tải giao hàng hạn chế kéo dài cũng dẫn đến tình trạng mua hàng dè dặt.

Lạm phát giá dầu toàn cầu càng làm cho vấn đề trầm trọng hơn.

Cước phí tăng vẫn không đủ container vận chuyển

Mỹ không phải thị trường duy nhất khó khăn trong thời điểm hiện tại.

Theo các chuyên gia Vasep, ngoài những khó khăn ở thị trường nước ngoài, một số quy định trong nước cũng đang gây bất lợi cho doanh nghiệp ché biến và xuất khẩu thuỷ sản như: kiểm dịch thuỷ sản nhập khẩu, quy định ngưỡng phốt pho trong nước thải chế biến thuỷ sản.

Nông ngư dân và doanh nghiệp chế biến thuỷ sản cũng khó tiếp cận vay vốn để phục hồi sản xuất sau đại dịch.

Thuỷ sản Việt Nam hiện vẫn chưa tháo gỡ được “thẻ vàng IUU” mà Liên minh châu Âu (EU) đang gắn cho sản phẩm thủy sản từ Việt Nam do còn xảy ra tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không tuân thủ quy định về chống đánh bắt hải sản của EU (IUU).

Các quy chuẩn khắt khe trong xuất - nhập khẩu thủy - hải sản của EU cũng đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần gắt gao, kỹ lưỡng hơn trong quá trình đánh bắt, chế biến và đóng gói.

Điểm mặt những khó khăn lớn khác, ông Nam nhắc đến tình trạng thiếu nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng mạnh do dịch Covid-19, chiến sự Nga – Ukraine; cước vận tải biển tăng gấp 5, 6 lần so với trước dịch, nhưng vẫn luôn xảy ra tình trạng thiếu container để vận chuyển. Covid-19 cũng khiến thị trường Trung Quốc trở nên nghiêm ngặt hơn...

“Lợi nhuận của người mua và doanh nghiệp bị xói mòn, khiến sức sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam giảm mạnh”, ông Nam lo ngại.

Trong khi đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước khác như Ấn Độ, Ecuador về nguồn cung, giá thành và giá xuất khẩu.

Cơ hội cho cá tra, các sản phẩm phân khúc giá phải chăng?

Theo các chuyên gia tại Hội thảo, khó khăn là thế, tuy nhiên cơ hội cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng không ít. Hiện nhu cầu của các thị trường chính đều tăng mạnh sau Covid-19. Các phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch mở cửa trở lại khiến nhu cầu bùng phát mạnh.

Xu hướng lạm phát trên thị trường thế giới cũng khiến giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm thủy sản tăng cao. Điều này làm gia tăng lợi thế cho phân khúc thủy sản giá phải chăng như cá tra, chả cá, surimi và tôm cỡ nhỏ.

Đồng thời, chiến sự Nga – Ukraine với các lệnh cấm thực phẩm và thủy sản Nga tại các nước lớn tạo cơ hội cho thủy sản Việt Nam, nhất là cá tra có thể thay thế một phần cho cá thị minh thái Nga tại các thị trường như EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh,…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể tận dụng lợi thế thuế quan ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP,… nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường như EU, Australia, Canada, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Anh,…

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế nhằm thu hút thêm nhiều khách hàng, đầu mối nhập khẩu thủy sản Việt Nam.

Tin bài liên quan