Xuất khẩu thủy sản sang EU sẽ cải thiện

0:00 / 0:00
0:00
Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do ảnh hưởng của Covid-19, các doanh nghiệp thủy sản đều bị sút giảm 30-50% đơn hàng.
Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).

Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).

Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi từ ngày 1/8 tới, đơn hàng xuất khẩu thủy sản sẽ được cải thiện, nhưng không quá đột biến trong năm nay.

Với EVFTA, ngành thủy sản được cho là có nhiều thuận lợi khi EU đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2, nhưng không dễ gia tăng thị phần bởi nội lực còn yếu. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Thực chất, EVFTA sẽ là cú hích lớn cho ngành thuỷ sản, bởi đây là một hiệp định thế hệ mới mang tính toàn diện, đặc biệt về ưu đãi thuế quan. Hơn 10 năm trở lại đây, ngành thủy sản đã tiếp cận và đáp ứng những vấn đề kỹ thuật từ EU như các vấn đề về môi trường, lao động… và các vấn đề liên quan khác. Duy nhất chỉ có vấn đề thuế quan còn cao, những đến nay, EVFTA đã giải quyết được.

Như vậy, EVFTA sẽ tạo bước đệm để ngành thuỷ sản đi sâu hơn vào thị trường tiêu thụ thủy sản khổng lồ, với dân số trên 500 triệu người, thu nhập bình quân cao, mức tiêu thụ bình quân các sản phẩm thủy sản thuộc hàng đầu thế giới.

Tổng cục Thủy sản mới đây đánh giá: “Ngoài cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, EVFTA sẽ giúp sản phẩm thủy sản Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh so với các đối thủ chưa có FTA với EU như Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh hay Indonesia. Ngoài ra, ngành thủy sản cũng sẽ có cơ hội thu hút giới đầu tư nước ngoài, hiện đại hóa công nghệ chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm”…

Tôi cho rằng, nhận định này hoàn toàn đúng. EVFTA sẽ là cú hích lớn cho ngành thuỷ sản gia tăng lợi thế cạnh tranh so với các nước có FTA với EU như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan. Theo nhiều nghiên cứu, sau khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản sang châu Âu có thể tăng 20% so với trước, khi có lợi thế cạnh tranh hơn các nước bạn. Đơn cử với mặt hàng cá ngừ, thuế suất sẽ về 0%, các đối tác châu Âu sẽ tăng mua cá ngừ Việt Nam thay vì mua từ các thị trường khác có mức thuế suất cao.

Thu hút đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng cũng là điều tất yếu, bởi khi các đối tác châu Âu quan tâm đến các sản phẩm thủy sản Việt Nam, thì họ cũng sẽ quan tâm đến bước đầu tư để đảm bảo công nghệ thực phẩm. Bên cạnh EVFTA, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) cũng là yếu tố thúc đẩy các nhà đầu tư châu Âu tham gia đầu tư vào ngành thủy sản.

Khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 212 dòng thuế của ngành thủy sản có thuế suất cơ sở từ 0-22%. Trong các dòng thuế được giảm, theo ông, mặt hàng nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất?

Đó chính là tôm, với kim ngạch xuất khẩu vào EU hiện khoảng 700 triệu USD/năm. Mặt hàng này đang xuất khẩu ở mức thuế suất cao như tôm tươi (hiện có thuế 4,2%) sẽ về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, tôm luộc (đang chịu mức thuế 15%) sẽ giảm thuế sau 3-7 năm.

Cá ngừ đông lạnh, cá ngừ hộp cũng sẽ được hưởng lợi nhiều khi mức thuế giảm về 0% sau khi EVFTA có hiệu lực và hạn ngạch cũng nâng lên hơn 10.000 tấn/năm. Ngoài ra, nhiều mặt hàng chủ lực khác của ngành thủy sản cũng được hưởng ưu đãi để có thể gia tăng xuất khẩu vào EU trong thời gian tới.

Từ nay đến lúc EVFTA đi vào thực thi còn chưa tới chục ngày, VASEP và doanh nghiệp trong ngành đã có sự chuẩn bị gì để tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới? Liệu EVFTA có cải thiện tình trạng đơn hàng sụt giảm mạnh thời gian qua và xuất khẩu thủy sản có cán đích 10 tỷ USD?

Trước khi EVFTA chưa được phê duyệt, ngoài vấn đề “phổ cập” ưu đãi thuế quan (GSP), thì các điều khoản phi thuế quan cũng được Hiệp hội và doanh nghiệp tổ chức nghiên cứu trước. Ví như các vấn đề về chứng nhận xuất xứ, truy xuất nguồn gốc…, nếu doanh nghiệp hiểu rõ, tư vấn rõ hơn cho các đối tác để họ thấy được lợi ích, thì sẽ đẩy mạnh bán mặt hàng đó ở thị trường EU, từ đó đơn hàng xuất khẩu sẽ tăng lên.

Vừa qua, do ảnh hưởng của Covid-19, các doanh nghiệp thủy sản đều bị sút giảm 30-50% đơn hàng. Tới đây, khi EVFTA có hiệu lực, đơn hàng sẽ được cải thiện, nhưng sẽ không quá đột biến trong năm nay. Lý do là, thị trường EU đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, vẫn có sự hạn chế về tiêu thụ các sản phẩm tại các nhà hàng, quán ăn, dù tiêu thụ thực phẩm chế biến tại nhà có tăng.

Theo tôi, năm nay, ngành thủy sản khó đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD. Chúng tôi đang hướng tới con số 8,6 tỷ USD. Con số này hoàn toàn có cơ sở, bởi tốc độ xuất khẩu tôm trong những tháng đầu năm nay khả quan, có thể đạt 3,8 tỷ USD. Xuất khẩu các mặt hàng hải sản dù đang vướng “thẻ vàng”, nhưng có thể đạt hơn 3 tỷ USD. Riêng xuất khẩu cá tra có sự sụt giảm mạnh, dự kiến đạt 1,6 tỷ USD. 

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 8,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, ngành thủy sản phải nhanh chóng gỡ 4 nút thắt về chuỗi cung ứng vật tư và giống cho nuôi trồng; phát triển thị trường; hậu cần phục vụ xuất khẩu và cải thiện các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp.

Để tận dụng tối đa lợi thế từ EVFTA, Hiệp hội và doanh nghiệp có kiến nghị gì với cơ quan chức năng, thưa ông?

Chúng tôi kiến nghị Chính phủ và các bộ tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản khôi phục hoặc tái lập Quỹ Phát triển thị trường thủy sản; ban hành chính sách khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài ngành chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất.

Bên cạnh đó, tăng tín dụng cho xây dựng trại nuôi mới và mở rộng các trại nuôi; khuyến khích các công nghệ nuôi tiên tiến, giảm ô nhiễm môi trường, tăng cao năng suất và giảm dịch bệnh. Thúc đẩy và hỗ trợ mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành thủy sản.

Trước mắt, chúng tôi đề xuất 2 dự án là ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động nuôi tôm ở Việt Nam và triển khai sàn giao dịch điện tử cho con giống, tiến tới có thể phát triển hình thức mua bán tương lai mặt hàng con giống theo mục tiêu quản lý chất lượng và giảm giá thành.

Tin bài liên quan