Kết quả quý I sụt giảm mạnh
Tại đại hội cổ đông thường niên 2023, lãnh đạo Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) cho biết, doanh thu quý I của Công ty đạt 1.010 tỷ đồng, giảm khoảng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi bức tranh toàn ngành tệ hơn nhiều, với mức sụt giảm 40%. Tuy nhiên, nhờ giá bán tốt hơn, kết quả lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt hơn 43 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
Hiện Thực phẩm Sao Ta xuất hàng sang nhiều thị trường; trong đó, Nhật Bản là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu, tiếp theo là Mỹ.
Thực phẩm Sao Ta cho biết, từ cuối năm 2020, nhận thấy chi phí logistics tăng quá cao, Công ty đã chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực châu Á, trong đó có Nhật Bản. Trong quý I, thị trường này đã đóng góp hơn 40% vào cơ cấu doanh thu của Công ty.
Quý I/2023, doanh thu và lợi nhuận của Vĩnh Hoàn lần lượt giảm 31,8% và 60,2% so với cùng kỳ.
Còn tại Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC), trong quý đầu năm, doanh thu đạt 2.328 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 219 tỷ đồng, lần lượt giảm 31,8% và 60,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý giải về việc lợi nhuận sụt giảm mạnh, lãnh đạo Công ty cho biết, do trong kỳ sản lượng bán hàng giảm và giá bán cũng giảm.
Vĩnh Hoàn nhận định, năm 2023 là một năm nhiều thách thức với nền kinh tế thế giới, lạm phát và suy thoái kinh tế khiến sức mua yếu trong khi chi phí sản xuất lại gia tăng. Cá tra - sản phẩm chính của Vĩnh Hoàn - dù được coi là thực phẩm phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực.
Tương tự, tại Công ty cổ phần Nam Việt (mã ANV), doanh thu quý I đạt 1.157 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm tới 55%, với 92 tỷ đồng. Lãnh đạo Nam Việt cho biết, trong quý vừa qua, dù doanh thu giảm nhẹ nhưng giá thức ăn và giá cá nguyên liệu tăng 10,6% so với cùng kỳ, cộng với chi phí tài chính tăng 50,7% (do lãi suất tăng) khiến lợi nhuận của Công ty sụt giảm mạnh.
Xoay xở gỡ khó
Khi các thị trường lớn đang vẫn đối mặt với lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang tìm cách chuyển hướng sang các thị trường ít bị ảnh hưởng hơn.
Tại Vĩnh Hoàn, việc tìm kiếm cơ hội bán hàng, thúc đẩy doanh số và giành thị phần được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Công ty đã linh hoạt trong chính sách bán hàng để hỗ trợ các thị trường bị ảnh hưởng bởi hành vi “thắt lưng buộc bụng” của người tiêu dùng. Song song với các chiến lược về thị trường, Vĩnh Hoàn tiếp tục chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, thông qua các dự án chế biến cá nhập khẩu mà Công ty đã khởi đầu thành công với mặt hàng cá hồi tại Vĩnh Phước.
Dù đang nỗ lực gia tăng đơn hàng, nhưng Vĩnh Hoàn vẫn đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 khá thận trọng, với mục tiêu doanh thu 11.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng, giảm 13% về doanh thu và giảm 49% về lợi nhuận so với mức thực hiện của năm ngoái.
Năm nay, Vĩnh Hoàn dành ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng cho công tác đầu tư. Cụ thể, Công ty dự kiến đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất gelatin, cải tạo nhà máy tại Công ty Vĩnh Hoàn Collagen; bổ sung ngân sách đầu tư Nhà máy chế biến trái cây Thành Ngọc; bổ sung ngân sách đầu tư nhà máy thức ăn thủy sản FeedOne và đầu tư mở rộng vùng nuôi; đầu tư mới và cải tạo nhà máy Vĩnh Phước, Thanh Bình, Vĩnh Hoàn, Sa Giang.
Với việc tham gia vào mảng chế biến thức ăn, Vĩnh Hoàn khép kín chuỗi cung ứng cá tra bền vững. Thêm rau củ quả vào danh mục sản phẩm, Công ty kỳ vọng phát triển thêm nhiều sản phẩm thực phẩm chế biến đa dạng kết hợp thủy sản và nông nghiệp để cung cấp khẩu phần ăn dinh dưỡng và tiện lợi cho người tiêu dùng thế giới.
Trong khi đó, Sao Ta đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật, EU và giữ ổn định ở Mỹ. Tại thị trường Nhật, Công ty có lợi thế cạnh tranh, tỷ suất lợi nhuận tốt hơn do có tỷ lệ hàng tinh chế, phối chế cao. Bên cạnh đó, việc có thêm vùng nuôi 203 ha có chứng nhận ASC sẽ mang lại thuận lợi cho Công ty khi thâm nhập thị trường EU, với những tiêu chuẩn rất khắt khe. Công ty tin tưởng từ đầu quý III/2023, hoạt động sẽ khởi sắc rõ nét.
“Sao Ta không tập trung vào thị trường Trung Quốc, mặc dù là thị trường có 1,4 tỷ dân, nhưng họ có hơn 1.000 nhà máy chế biến. Trung Quốc mua tôm nguyên liệu về chế biến trong nước và mua chủ yếu tôm sú, do vậy không phù hợp chiến lược của chúng tôi”, lãnh đạo Sao Ta cho hay.
Năm nay, Sao Ta đặt kế hoạch doanh thu đạt 5.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 400 tỷ đồng; trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20%. Công ty tự tin với kế hoạch này bởi nền tảng có thêm cơ sở chế biến và vùng nuôi mới. Từ nửa cuối tháng 5/2023, Công ty sẽ tăng doanh thu nhờ thu hoạch tôm. Giá bán còn tùy thuộc vào xu hướng thị trường thế giới nhưng tôm Việt Nam có trình độ chế biến cao và hàm lượng lao động cao hơn các nước khác nên giá bán cũng cao hơn.
Sao Ta có tỷ lệ nuôi thành công tôm giống cao (trong 3 năm gần đây là 85%), nên giá thành nguyên liệu của Sao Ta thấp.
Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian dài phong tỏa vì dịch bệnh Covid-19 được cho là có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Trong đó, ANV được đánh giá là doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp do đây là thị trường chủ đạo, đóng góp từ 30 - 40% vào tổng doanh thu của Công ty ở giai đoạn trước dịch.
Riêng năm 2022, thị trường Trung Quốc chỉ đóng góp vào khoảng 9% tổng doanh thu của ANV, xuất phát từ việc Công ty thay đổi đối tác phân phối (hủy phân phối độc quyền với đối tác Trung Quốc). Trong năm 2023, sản lượng xuất khẩu cá tra của ANV được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng khi hoạt động giao thương với Trung Quốc được nối lại hoàn toàn.
Song song với thị trường Trung Quốc, ANV cũng tìm cách mở rộng thị trường, dù thị trường Mỹ đang trong giai đoạn khó khăn nhưng kỳ vọng có thể khả quan vào cuối năm. Theo dự phóng của Công ty Chứng khoán BSC, trong năm 2023, doanh thu của ANV ước đạt 5.310 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 687 tỷ đồng, lần lượt tăng 7,6% và 2% so với năm 2022.
Mở rộng dư địa tăng trưởng vào các thị trường ít chịu ảnh hưởng của lạm phát, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản từng bước gỡ khó để có thể tăng trưởng vào cuối năm.