Dù năm 2023 Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1, nhưng nếu so sánh từ mặt bằng thông thường thì doanh số tháng 1/2024 vẫn cao hơn khoảng 24 - 25% - là tín hiệu tích cực cho tháng mở đầu năm mới 2024.
Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều có bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái: tôm tăng 71%, cá tra tăng 97%, cá ngừ tăng 57%, mực BT tăng 45%, các loại cá khác tăng 50%.
Về thị trường, tăng đột phá nhất là Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng gấp hơn 3 lần, trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Nhật. Riêng mặt hàng tôm và cá tra, Trung Quốc là thị trường lớn nhất trong tháng đầu năm 2024, khi xuất khẩu sang thị trường này tăng gấp gần 4 lần so với tháng 1/2023. Tháng 1 năm nay cũng là thời điểm các nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng mua hàng phục vụ cho Tết Nguyên đán.
Các thị trường khác cũng có mức tăng tốt, trong đó xuất khẩu sang Mỹ tăng 63%, sang Nhật Bản tăng 43%, sang EU tăng 34%...
Tuy nhiên, Vasep thông tin, nhìn vào bức tranh chung của thị trường và của ngành thủy sản năm 2024, đa số các doanh nghiệp đều cho rằng còn nhiều thách thức và khó khăn làm chậm khả năng phục hồi sản xuất, xuất khẩu.
Đối với ngành tôm, đơn hàng của một số doanh nghiệp tôm vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện vì sức mua của thị trường vẫn yếu. Vẫn còn những vấn đề như lượng tồn kho nhiều, giá mua thấp, khó cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Ecuador… Dù một số doanh nghiệp nhìn thấy tín hiệu khả quan hơn về đơn hàng, nhưng lo lắng về nguồn nguyên liệu vì đang mùa nghịch, cùng với dịch bệnh nên sản lượng tôm thấp.
Ngoài ra, lo ngại về nguy cơ bị áp thuế chống trợ cấp cũng là một rào cản đối với nhà nhập khẩu ở Mỹ và các công ty xuất khẩu Việt Nam. Giá chào bán tôm Việt Nam vẫn khá cao so với các nước khác, gây tâm lý e ngại cho nhà nhập khẩu.
Vasep kỳ vọng nhu cầu thị trường và giá xuất khẩu được dự đoán sẽ nhích dần lên, tôm Việt Nam không bị áp thuế chống trợ cấp, thẻ vàng IUU được tháo gỡ giúp xuất khẩu có thể sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm và kết quả cả năm sẽ tăng trưởng nhẹ so với năm 2023, đạt khoảng 9,5 tỷ USD.
Đối với ngành cá tra, các chuyên gia đánh giá tình hình sản xuất và thị trường đang có dấu hiệu khả quan hơn một chút. Đơn hàng trong tháng 1 và tháng 2 bắt đầu khởi sắc, do vậy giá cá tra nguyên liệu đã thoát đáy, tăng từ 25.000 - 26.000 đồng/kg năm 2023 lên 28.000 - 29.000 đồng/kg đầu năm nay.
Tuy nhiên, khách hàng nhập khẩu vẫn thận trọng với giá mua. Do vậy, các doanh nghiệp cá tra cũng hy vọng xuất khẩu năm nay tăng nhẹ so với năm 2023, có thể đạt được con số lạc quan là 2 tỷ USD, tăng hơn 10% so với 1,8 tỷ USD năm 2023.
Về thị trường xuất khẩu, theo đánh giá của Vasep, người tiêu dùng tại Trung Quốc đại lục vẫn là khách hàng lớn nhất của Việt Nam về tiêu thụ cá tra. Năm 2024, Vasep dự báo Trung Quốc sẽ là khu vực tăng trưởng cao về tiêu thụ cá tra, đặc biệt sau khi nước này dỡ bỏ hạn chế đối với hàng hóa nhập khẩu để phòng dịch Covid.
Tuy nhiên, Vasep lưu ý, năng suất và sản lượng cá tra hàng năm của Việt Nam dù vẫn ở mức cao, nhưng phải cạnh tranh với nhiều nước. Do đó, để thúc đẩy xuất khẩu, doanh nghiệp cần thực hiện thay đổi quy định sản xuất để thúc đẩy thương mại, cải thiện thị trường, đồng thời tận dụng phụ phẩm chế biến để tạo ra giá trị mới. Xuất khẩu cá tra năm 2024 sẽ không chỉ tập trung vào sản phẩm thế mạnh của Việt Nam là phile đông lạnh, mà còn mở rộng thêm sản phẩm cá tra giá trị gia tăng.
Vasep dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 sẽ phục hồi nhẹ so với mức nền thấp của năm 2023 do nhu cầu thị trường chưa chắc chắn và kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.
Sau khi về đích năm 2023 ở mức 9,2 tỷ USD, bằng 92% mục tiêu đề ra từ đầu năm, ngành thủy sản đặt mục tiêu năm 2024 với kim ngạch xuất khẩu đạt 9,5 tỷ USD, tăng 3% so với năm trước.