Ngày 4/7, Tổng cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019 ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh hoành hành như dịch tả lợn châu Phi, Trung Quốc siết chặt nguồn gốc và an toàn thực phẩm nông sản, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ và hàng rào bảo hộ thương mại tại một số quốc gia nhập khẩu…
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, ngành nông nghiệp cũng bắt đầu có những thuận lợi khi hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA được thực thi cùng với nỗ lực của toàn ngành nên vẫn đạt được những kết quả tốt trong tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm đạt gần 4 tỷ USD, bằng 100,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu tôm các loại ước đạt 1,43 tỷ USD (bằng 87,9% so với cùng kỳ), cá tra 991 triệu USD (bằng 98,8% cùng kỳ), cá ngừ 380 triệu USD, mực và bạch tuộc 311 triệu USD, các loại cá khác 769 triệu USD, nhuyễn thể 45,4 triệu USD
Mặc dù, tổng sản lượng thủy sản và kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2018, song vẫn chưa đạt 50% so với kế hoạch năm 2019 Bộ NNPTNT giao.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do xu hướng tăng nóng xuất khẩu cá tra đã chậm lại. Cùng đó, thị trường lớn trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam là Trung Quốc có sự sụt giảm do nước này siết chặt thương mại biên mậu.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador trên thị trường tôm, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến nhu cầu, cùng với đồng Nhân dân tệ mất giá cũng là những yếu tố gây ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
Với kết qủa nói trên, ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết, với dư địa sản lượng tôm, cá tra và nhóm hải sản, dự báo năm 2019 ngành thuỷ sản sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD.
Theo ông Oai, trong những tháng cuối năm 2019, ngành đã đặt ra một số mục tiêu chính là: tốc độ tăng GDP đạt 4,65%; tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 4,69%; kim ngạch xuất khẩu đạt 10,5 tỷ USD...Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm rất nặng nên đòi hỏi toàn ngành phải quyết tâm rất cao, tập trung xây dựng kế hoạch và giải pháp thật cụ thể cho từng lĩnh vực mới đạt được kết quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, ngành cũng tập trung hơn nữa và phấn đấu gỡ "thẻ vàng" của EC. "Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong những tháng cuối năm vì không nếu gỡ được "thẻ vàng" thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thủy sản, đời sống bà con ngư dân. Do đó, từ nay đến cuối tháng 10/2019, ngành phải tập trung cao nhất khắc phục 4 khuyến nghị của EC. Đến đầu tháng 11/2019, Đoàn kiểm tra của EC sẽ sang Việt Nam", ông Oai nhấn mạnh.