Xuất khẩu thương mại điện tử B2C Việt Nam năm 2023 đạt 86 nghìn tỷ đồng

Xuất khẩu thương mại điện tử B2C Việt Nam năm 2023 đạt 86 nghìn tỷ đồng

(ĐTCK) Theo báo cáo mới nhất của Access Partnership, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C Việt Nam năm 2023 đạt 86 nghìn tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ đóng góp 26%.

Ngày 9/10, Amazon Global Selling Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024 với chủ đề “Tăng tốc. Vươn tầm. Bứt phá thành công”. Hội nghị nhấn mạnh các xu hướng phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam, cập nhật các kết quả mới nhất từ các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon, và công bố trọng tâm chiến lược 2025 của Amazon Global Selling Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hội nghị diễn ra các phiên thảo luận, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm thực tế cùng nhiều thông tin cập nhật về lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới.

Năm 2023, doanh số thương mại điện tử bán lẻ toàn cầu ước tính đạt 5,8 nghìn tỷ USD và được dự báo sẽ tăng trưởng 39% trong những năm tới, kỳ vọng vượt mức 8 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Sự sôi động của thương mại điện tử toàn cầu mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội thương mại quốc tế.

Tại Việt Nam, theo báo cáo mới nhất của Access Partnership, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C Việt Nam năm 2023 đạt 86 nghìn tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ đóng góp 26%. Đáng chú ý, 93% các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ được khảo sát cho rằng họ không thể xuất khẩu nếu không có thương mại điện tử.

Sự sôi động của thương mại điện tử toàn cầu mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam

Sự sôi động của thương mại điện tử toàn cầu mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam

Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 cũng nhấn mạnh định hướng hỗ trợ phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam. Những tín hiệu tích cực này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang ở vị thế tốt để nắm bắt cơ hội xuất khẩu qua thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế số quốc gia.

Trong 5 năm qua, hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu và mở rộng hoạt động kinh doanh toàn cầu với Amazon. Các doanh nghiệp không chỉ bán sản phẩm, mà còn tập trung xây dựng thương hiệu và củng cố sự hiện diện của mình trên trường quốc tế.

Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, trong 5 năm qua, số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon từ các đối tác bán hàng Việt Nam tăng hơn 300%.

Số lượng các đối tác bán hàng Việt Nam tham gia chương trình Đăng ký Thương hiệu (Brand Registry) của Amazon tăng gấp 35 lần.

Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết: “Với sự phát triển liên tục của thương mại điện tử toàn cầu cùng các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với thương mại điện tử, bao gồm thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới để mở rộng dấu ấn quốc tế".

Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam

Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam

Trong giai đoạn tiếp theo, nhằm thúc đẩy xuất khẩu thương mại điện tử tại Việt Nam, Amazon Global Selling Việt Nam công bố trọng tâm chiến lược 2025, tập trung nâng cao năng lực thương mại điện tử xuyên biên giới và cung cấp các nguồn lực cần thiết cho mục tiêu cất cánh toàn cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.

Với định hướng “Tăng tốc. Vươn tầm. Bứt phá thành công.”, Amazon Global Selling Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết thúc đẩy tăng trưởng và hiện diện toàn cầu của Made-in-Vietnam”.

Tin bài liên quan