Xuất khẩu thêm chật vật với chi phí logistics

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, chi phí logistics của Việt Nam vẫn ở mức cao không chỉ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa, mà còn trở thành rào cản với doanh nghiệp khi thâm nhập thị trường mới bởi giá sản phẩm bị kéo lên cao.
Vào mùa cao điểm, các hãng tàu, container thường đồng loạt tăng mạnh giá cước Ảnh: Dũng Minh

Vào mùa cao điểm, các hãng tàu, container thường đồng loạt tăng mạnh giá cước Ảnh: Dũng Minh

Chi phí logistics kéo giá thành đi lên

Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), chi phí logistics so sánh với tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đang ở mức 16,8%, so với bình quân thế giới là 10,7%. Tính trong ASEAN, chi phí logistics Việt Nam cao hơn các nước Singapore (đang ở mức 8,5%), Malaysia (13%) và Thái Lan (15,5%).

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, chi phí logistics trong ngành nông sản rất cao, chiếm khoảng 20-25% giá thành sản phẩm. Như vậy, khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế, sản phẩm của doanh nghiệp Việt có giá thành cao hơn, lợi thế cạnh tranh giảm xuống.

Với doanh nghiệp ngành gỗ, ông Đặng Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủ công Mỹ nghệ gỗ Liên Minh thông tin, tại Việt Nam, chi phí vận chuyển, lưu kho, kho bãi, thủ tục hải quan và các công việc giấy tờ khác… đang cao hơn 10-15% so với các quốc gia cạnh tranh mặt hàng này.

“Trong đó, chi phí logistics chiếm tới 20 - 30% giá trị mỗi container gỗ xuất khẩu đã bào mòn hết lợi nhuận của doanh nghiệp. Không chỉ bị cạnh tranh về giá, các doanh nghiệp ngành gỗ còn chịu tác động từ nhu cầu thị trường, dẫn đến tình trạng ‘tiến thoái lưỡng nan’ khi đơn hàng hạn chế nhưng chịu nhiều loại phí cao”, ông Hùng chia sẻ.

Việc bị phụ thuộc vào đội tàu nước ngoài cũng khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều rào cản để mở rộng thị trường xuất khẩu. Địa bàn hoạt động của các tàu container nội địa rất hẹp, chỉ loanh quanh trong khu vực trong khi các hãng tàu nước ngoài “ôm” hết các thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ.

Do đó, khi muốn mở rộng sang các thị trường tiềm năng, doanh nghiệp bị phụ thuộc vào cước phí, lịch trình của hãng tàu nước ngoài, khó có được sự lựa chọn tối ưu. Chưa kể, vào mùa cao điểm, các hãng tàu, container thường đồng loạt tăng mạnh giá cước và các khoản phụ phí nhưng không báo trước.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ

Thời gian qua, tại các cửa khẩu xảy ra tình trạng kẹt xe, nhiều container không thông quan được dẫn đến thiếu container quay về, từ đó giá cước vận chuyển tăng thêm 1/3 so với giá gốc. Đáng nói là tình trạng này vẫn luôn diễn ra.

- Bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu

Nhiều doanh nghiệp nhận định, kết nối hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp còn bất cập. Tại nhiều địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - nơi được coi là vựa lúa, vựa nông thủy sản lớn nhất đất nước, dịch vụ này lại chậm phát triển.

“Khi doanh nghiệp thu mua nông sản tại vườn, các phương tiện vận chuyển loại lớn không thể đến tận nơi, doanh nghiệp phải sử dụng xuồng, ghe, xe máy, xe ba gác, xe tải loại nhỏ… làm phương tiện trung gian mới có thể đưa nông sản đến nhà máy”, ông Tùng nêu bất cập hiện nay.

Khi vận chuyển qua nhiều phương tiện, không những chất lượng hàng hóa, nông sản bị ảnh hưởng, mà phí vận chuyển cũng đội lên cao. Theo ông Hùng, tác động đến chi phí này là cả một hệ thống, trong đó hải quan, kho cảng, hãng vận tải đường bộ, hãng tàu… chưa có sự liên kết, dẫn đến có nhiều loại chi phí không hợp lệ.

Ngoài những nguyên nhân khách quan từ tình hình thế giới, nguyên nhân chủ quan là hầu hết các doanh nghiệp logistics Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động thiếu liên kết, cơ sở hạ tầng logistics chưa đồng bộ, chưa có tính kết nối cao giữa các loại hình vận tải, giao nhận…

Trước bối cảnh xuất khẩu đang gặp khó, nhiều doanh nghiệp mong chờ những giải pháp hạ nhiệt chi phí logistics nhằm giảm bớt áp lực về giá, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Cụ thể, việc tiếp tục tăng cường đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hải quan để doanh nghiệp cắt giảm chi phí không thiết yếu, tăng tính dự đoán khi xuất khẩu cũng như thâm nhập thị trường mới là điều quan trọng.

“Nếu không giảm chi phí logistics, thì tính cạnh tranh và chỗ đứng của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sẽ không đủ hấp dẫn người tiêu dùng và các đối tác nước ngoài trước bối cảnh khó khăn như hiện nay”, bà Tường Vy cho hay.

Tin bài liên quan