Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8/2018 ước tính đạt 20,90 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng trước. Đây là một kết quả khả quan, khi mà mấy tháng gần đây, xuất khẩu tính theo tháng đều đạt mức trên 20 tỷ USD.
Với kết quả này, tính chung 8 tháng năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 155,41 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 45,11 tỷ USD, tăng 17,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 110,30 tỷ USD (chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 13,4%.
Đóng góp lớn cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao này tiếp tục là các nhóm hàng điện thoại và linh kiện (đạt 30,9 tỷ USD, tăng 15,7%); hàng dệt may (đạt 19,4 tỷ USD, tăng 14,9%); điện tử, máy tính và linh kiện (đạt 18,4 tỷ USD, tăng 14,2%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng (đạt 10,6 tỷ USD, tăng 26,9%)…
Ngoài các mặt hàng này, các mặt hàng nông sản, thủy sản cũng đạt mức tăng khá. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản đạt 5,5 tỷ USD, tăng 6,4%; rau quả đạt 2,7 tỷ USD, tăng 14,8%; hạt điều đạt 2,3 tỷ USD, tăng 2,5% (lượng tăng 8%); gạo đạt 2,2 tỷ USD, tăng 23,6% (lượng tăng 8,2%)…
Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô tính chung 8 tháng tiếp tục giảm mạnh về cả lượng và kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước, với 1,5 tỷ USD, giảm 24,6% (lượng giảm 46,6%).
Ở chiều ngược lại, tháng 8/2018, Việt Nam ước nhập khẩu 21,0 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước. Như vậy, trong tháng này, cán cân thương mại tiếp tục chênh lệch, cả nước nhập siêu 100 triệu USD. Tháng trước, mức nhập siêu lên tới 635 triệu USD.
Tính chung 8 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 152,66 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 61,85 tỷ USD, tăng 11,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 90,81 tỷ USD, tăng 11,4%.
Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu thấp hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, nên dù hai tháng 7 và 8, nền kinh tế có nhập siêu, nhưng tính chung 8 tháng, cán cân thương mại hàng hóa vẫn duy trì xuất siêu với 2,8 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 19,5 tỷ USD.
Nếu tính theo thị trường, 8 tháng, trong khi Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ 21,5 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU 18,8 tỷ USD, tăng 10,7%; thì lại nhập siêu từ Hàn Quốc 19 tỷ USD, giảm 9,6%; nhập siêu từ Trung Quốc 18 tỷ USD, giảm 0,1%; nhập siêu từ ASEAN 4 tỷ USD, giảm 2,7%.