Xuất khẩu tăng tốc, xuất siêu gần 11,7 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Thương mại Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bối cảnh toàn cầu đầy khó khăn, với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt xấp xỉ 370 tỷ USD trong nửa đầu năm. Trong đó, xuất khẩu tăng 14,5%, cán cân thương mại xuất siêu gần 11,7 tỷ USD.

Tăng trưởng ấn tượng

Bất chấp bối cảnh toàn cầu đầy khó khăn, thách thức, thậm chí rủi ro với nhiều bất ổn địa chính trị, biến động kinh tế thời gian gần đây…, thương mại hàng hóa của Việt Nam vẫn phục hồi ấn tượng.

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cuối tuần qua, trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 190 tỷ USD, tăng 14,5%; nhập khẩu đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17%; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu gần 11,7 tỷ USD.

Tất cả các nhóm hàng chủ lực đều ghi nhận mức độ hồi phục về đơn đặt hàng, thể hiện qua kim ngạch đều tăng đáng kể so với cùng kỳ. Nhờ đó, hoạt động sản xuất của nhiều ngành hàng trở nên bận rộn hơn. Tốc độ nhập nguyên phụ liệu phục vụ làm hàng xuất khẩu tăng mạnh trong 2 tháng gần đây. Còn tính trong quý II/2024, nhập khẩu đạt 93,4 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 9,7% so với quý I/2024.

Đánh giá kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công thương) khẳng định: “Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu ngày càng lớn, kinh tế thương mại đang trên đà hồi phục, các ngành sản xuất đã vượt khó để phục hồi và đạt vượt mức kế hoạch với hầu hết chỉ tiêu được giao”.

Đáng lưu ý, xuất khẩu của nhóm chủ lực là công nghiệp chế biến - chế tạo ước đạt gần 167 tỷ USD, chiếm 87,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, với nhiều nhóm sản phẩm tăng cao trong nửa đầu năm 2024, như máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm chất dẻo, gỗ và sản phẩm gỗ.

“Quán quân” xuất khẩu là máy tính, điện tử và linh kiện (tăng 28,6%, đạt 32,9 tỷ USD); theo sau là điện thoại - linh kiện (27,2 tỷ USD, tăng 11,3%), máy móc, thiết bị, phụ tùng (22,9 tỷ USD, tăng 16,2%), hàng dệt may (16,3 tỷ USD, tăng 3,1%)...

Như vậy, chỉ riêng nhóm hàng điện tử đóng góp hơn 60 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, đưa Việt Nam trở thành nhà cung cấp lớn thứ 2 thế giới về nhóm hàng này. Máy tính, điện thoại, linh kiện sản xuất tại Việt Nam chủ yếu xuất sang các thị trường Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Nhóm nông, lâm sản đạt 16,64 tỷ USD, nhóm hàng thủy sản đạt 4,36 tỷ USD.

Có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ); trong đó, gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu gạo đạt 4,68 triệu tấn, trị giá 2,98 tỷ USD (tăng 32%); hạt điều 350.000 tấn, trị giá 1,92 tỷ USD (tăng 17,4%).

Tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường chủ lực trong 6 tháng qua đều khả quan. Xuất sang các thị trường khổng lồ như Mỹ, EU, Trung Quốc… vẫn đạt kết quả tích cực. Trong đó, xuất sang Mỹ đạt 54,3 tỷ USD, tăng 22,1%; xuất sang Trung Quốc đạt 27,8 tỷ USD, tăng 5,3%; sang EU đạt 24,5 tỷ USD, tăng 14,1%; Hàn Quốc 12,2 tỷ USD, tăng 10,4%; ASEAN 18,2 tỷ USD, tăng 12,9%.

Cầu hàng hóa cuối năm còn tăng

Nửa cuối năm 2024, cầu hàng hóa tiêu dùng sẽ tăng hơn đầu năm, nhằm phục vụ mùa lễ hội và nghỉ Tết, nên đơn hàng dự báo tăng, nhưng không đi cùng với tăng giá.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp dệt may, đơn hàng không thiếu, nhưng đơn giá vẫn thấp hơn 20%, thậm chí 50% so với năm 2019, trong khi chi phí sản xuất tiếp tục tăng, nhất là từ đầu tháng 7 thực hiện tăng lương, doanh nghiệp phải tăng chi trả quỹ lương, bảo hiểm xã hội, các chi phí cho người lao động.

Trong khi đó, xung đột địa chính trị căng thẳng tiếp tục đẩy giá cước vận tải leo thang, xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hơn nữa, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn như EU, Mỹ tiếp tục đối mặt với áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh. Đây tiếp tục là những vấn đề mà doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đối diện.

Tuy nhiên, việc ký kết hiệp định thương mại tự do với hơn 60 thị trường đang mở rộng cơ hội cho các ngành hàng, doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng ưu đãi thuế quan.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo: “Những tháng còn lại của năm 2024, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có thế mạnh của nước ta như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử… sẽ duy trì ‘phong độ’ xuất khẩu nhờ tận dụng được cơ hội thị trường và có được đơn hàng mới nhờ các mặt hàng đặc thù”.

Ngay trong tháng 7/2024, những đơn hàng vải chống cháy đầu tiên do Vinatex hợp tác với Tập đoàn Coats của Anh sản xuất sẽ được xuất khẩu, giúp mang về doanh thu trong nửa cuối năm khoảng 5 triệu USD.

Đánh giá triển vọng của Việt Nam nửa cuối năm 2024, các chuyên gia Ngân hàng HSBC nhận xét, kinh tế Việt Nam có đà tăng trưởng mạnh nhờ tiếp tục lộ trình phục hồi. Nhờ vậy, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) cải thiện, hoạt động sản xuất mở rộng, xuất khẩu điện tử rất khởi sắc, triển vọng thu hút vốn FDI khả quan nhờ sức hấp dẫn của Việt Nam trong vai trò một điểm đến đầu tư.

Tin bài liên quan