Xuất khẩu tăng tốc, cán cân thương mại thặng dư 710 triệu USD

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ trong tháng 6, ước xuất khẩu đạt 32,65 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng lên 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Điện thoại và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Điện thoại và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, trong tháng Sáu, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 65,02 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5%.

Phân tích về xuất khẩu, Tổng cục Thống kê cho biết, xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2022 ước đạt 32,65 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Còn nếu tính riêng quý II, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,8 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước và tăng 8,7% so với quý I/2022. Như vậy, xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng tốc, trái với những lo ngại trước đó về việc xuất khẩu có thể giảm tốc do những ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, cũng như việc Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách “zero Covid” không khoan nhượng.

Với kết quả này, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 49,26 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,68 tỷ USD, tăng 16,3%, chiếm 73,5%.

Đây là một kết quả tích cực và là một điểm sáng của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, cần phải làm rõ trong phần tăng thêm của kim ngạch xuất khẩu, bao nhiêu phần trăm là do giá tăng, bao nhiêu phần trăm là do lượng tăng.

Thực tế, xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới cũng đã góp phần quan trọng giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng tốc trong thời gian qua.

6 tháng đầu năm 2022, theo Tổng cục Thống kê, có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%.

Về nhập khẩu, Tổng cục Thống kê cho biết, ước kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2022 đạt 32,37 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.

Còn tính trong quý II/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 97,6 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11,3% so với quý I/2022.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 65,23 tỷ USD, tăng 15,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 120 tỷ USD, tăng 15,6%.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 30 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 87% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Tuy nhiên, cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 6 tháng đầu năm vẫn tích cực. Nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44%, giảm 0,9 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 50%, tăng 1,1 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6%, giảm 0,2 điểm phần trăm.

Nhập khẩu hàng tư liệu sản xuất tăng chứng tỏ xu hướng phục hồi của sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nếu kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu do giá tăng thì lại cho thấy, các doanh nghiệp đang phải chịu áp lực tăng giá nguyên vật liệu đầu vào. Điều này hiện đang là một thách thức lớn của nền kinh tế, của các doanh nghiệp.

Ở góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, trong nửa đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 55,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 61,3 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 15,5 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 35 tỷ USD, tăng 21,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 21,1 tỷ USD, tăng 39,5%; nhập siêu từ ASEAN 6,5 tỷ USD, giảm 10,9%; nhập siêu từ Nhật Bản 463 triệu USD, giảm 39,9%.

Tính chung 6 tháng thì cán cân thương mại vẫn thặng dư 710 triệu USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,97 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,68 tỷ USD.

Tin bài liên quan