Xuất khẩu sang thị trường Mỹ tiếp tục ghi điểm

0:00 / 0:00
0:00
Nửa đầu năm 2024, hàng Việt Nam tiếp tục ghi điểm tại thị trường Mỹ, khi chứng kiến mức tăng trưởng 2 con số.
Xuất khẩu sang thị trường Mỹ tiếp tục ghi điểm

Lô xoài tượng da xanh đầu tiên của Cần Thơ đã lên đường sang Mỹ bằng đường hàng không, với đơn vị xuất khẩu là Vina T&T Group - nhà xuất khẩu trái cây có tiếng của Việt Nam.

Đây là lô xoài đầu tiên của Cần Thơ, nhưng với Vina T&T Group, doanh nghiệp này đã và đang xuất khẩu đều đặn hàng tuần các container hàng nông sản.

Những đơn hàng dồn dập đi các thị trường, trong đó có Mỹ, đã góp phần làm nên doanh số gần 3,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu rau quả trong nửa đầu năm.

Nhưng tạo kim ngạch lớn nhất là các ngành hàng điện tử, hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ. Trong đó, dệt may, sau năm 2023 xuất sang Mỹ sụt giảm sâu, cũng đang đón tín hiệu đơn hàng tốt dần lên, 6 tháng mang về gần 6 tỷ USD, tăng 4%.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, với kết quả này, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc, dẫn đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc tại Mỹ, đồng thời có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong tốp 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng 2024, xuất khẩu điện thoại các linh kiện sang Mỹ đạt 4,62 tỷ USD, tăng 28,4%, đánh dấu mức tăng cao nhất trong các thị trường chủ lực. Nhưng tăng “khủng” nhất phải kể đến máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, đạt 8,94 tỷ USD, tăng 50%.

Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), Việt Nam tiếp tục được doanh nghiệp Mỹ chọn để đặt hàng với danh mục hàng hoá ngày càng đa dạng.

Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho hay, việc đa dạng hóa và mở rộng danh mục sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đang là trọng tâm của Công ty.

Trong 5 năm qua, hàng Việt bán ra trên Amazon tăng hơn 300%. Các ngành hàng sức khỏe và chăm sóc cá nhân, nhà cửa, may mặc, làm đẹp... được ưa chuộng hàng đầu trên sàn thương mại điện tử này.

Các tập đoàn đa quốc gia lập cứ điểm sản xuất tại thị trường Việt Nam như một cam kết cho việc chuẩn hoá hoạt động sản xuất, nên hoạt động xuất khẩu trở nên bài bản, chuyên nghiệp. Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện nắm giữ trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ Công thương đánh giá, Mỹ đang có những động thái cắt giảm lãi suất, qua đó kích cầu tiêu dùng, nên mở rộng nhu cầu nhập khẩu. Do vậy, nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ, thủy sản, dệt may… tại thị trường này sẽ tiếp tục tăng.

Thương mại, đầu tư Việt - Mỹ đang được hỗ trợ cực lớn thông qua sự kiện nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023. Việc này đồng nghĩa với thực hiện các trụ cột hợp tác bao phủ nhiều lĩnh vực, tạo nền tảng để thương mại song phương sớm đạt 200 tỷ USD.

Dự báo, trong thời gian tới, xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khi nhu cầu thị trường tăng lên, hàng tồn kho giảm.

Lo ngại lớn nhất khi xuất khẩu sang Mỹ là việc nước này gia tăng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu.

Để hạn chế rủi ro bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tăng cường tìm hiểu pháp luật về các quy định về phòng vệ thương mại, tạo được các giá trị gia tăng trên sản phẩm xuất khẩu, doanh nghiệp cần lưu trữ số liệu xuất khẩu để hợp tác với cơ quan điều tra khi xảy ra vụ việc.

Tin bài liên quan