Xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
Các nhà nhập khẩu Mỹ chi bình quân gần 9,5 tỷ USD/tháng để nhập khẩu hàng Việt, nhiều nhất là hàng điện tử, dệt may, máy móc, thiết bị… Dự báo, trong những tháng tới, mức chi còn tăng để phục vụ tiêu dùng cuối năm.
Nhiều nông sản của Việt Nam, trong đó có gạo, được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh: Đức Thanh

Nhiều nông sản của Việt Nam, trong đó có gạo, được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh: Đức Thanh

Xuất khẩu tăng tốc

Xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta - tiếp tục chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong những tháng gần đây. Nếu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa những tháng đầu năm chỉ 8,3 - 8,9 tỷ USD/tháng, thậm chí có tháng chỉ nhập khoảng 7 tỷ USD, thì liên tiếp 2 tháng gần nhất, xuất khẩu đều vượt 10 tỷ USD.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 6/2024 đạt 10,5 tỷ USD, sang tháng 7 đạt 10,95 tỷ USD.

Sự tăng trưởng này đã đưa xuất khẩu sang Mỹ 7 tháng đầu năm đạt 66,09 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ (tương ứng tăng thêm 13 tỷ USD) và là thị trường có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất.

Tính bình quân 7 tháng qua, người Mỹ đã chi gần 9,5 tỷ USD/tháng để mua hàng của các nhà cung ứng Việt Nam.

Nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất (số liệu 6 tháng 2024) bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (11,16 tỷ USD, tăng 51,6%); điện thoại và linh kiện (5,5 tỷ USD, tăng 34,3%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (9,19 tỷ USD, tăng 15,8%); hàng dệt may (7,21 tỷ USD, tăng 3,6%); giày dép (3,84 tỷ USD, tăng 14,6%); gỗ và sản phẩm gỗ (4,07 tỷ USD, tăng 24,6%).

Từ đầu năm đến nay, Vina T&T Group, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản đón nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu đi nhiều thị trường, nhưng nhiều nhất là sang Mỹ. Sản phẩm xuất khẩu rất đa dạng, như thanh long, dừa, vú sữa, xoài, nhãn, gạo… Đơn hàng tấp nập đã đưa doanh thu xuất khẩu 7 tháng của doanh nghiệp này tăng 26% so với cùng kỳ.

“Mỹ là thị trường truyền thống của chúng tôi. Đơn hàng xuất khẩu với nhiều mặt hàng là sản phẩm của ngành nông nghiệp, từ trái cây, gạo, nước mắm… được xuất khẩu đều đặn mỗi tuần. Đặc biệt, đơn đặt hàng từ Mỹ tăng rất mạnh trong những tháng qua”, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Vina T&T Group cho hay.

Nhiều năm xuất khẩu sang Mỹ, ông Tùng cho biết: “Mỹ là thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao, nhất là với nông sản, nhưng doanh nghiệp làm ăn chuẩn chỉnh, đáp ứng các tiêu chuẩn của nhà mua hàng thì không lo thiếu cơ hội”.

Với tốc độ tăng nhập khẩu hàng hóa phục vụ mùa lễ hội cuối năm và lượng hàng tồn kho giảm mạnh, thị trường Mỹ sẽ tăng mạnh đơn đặt hàng từ các nhà cung ứng Việt Nam.

Nhận định về xuất khẩu những tháng cuối năm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, hiện nay, các mặt hàng của Việt Nam như điện tử, da giày, dệt may, nông sản, máy móc, thiết bị... xuất khẩu sang Mỹ sẽ tiếp tục hồi phục.

Nhóm hàng hóa này ngày càng được cải thiện về chất lượng, giá cả cạnh tranh nhờ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư nhiều vào sản xuất, xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, nên được thị trường này ưa chuộng, các nhà nhập khẩu Mỹ tín nhiệm.

Nếu duy trì được đà tăng như hiện tại, thương mại 2 chiều giữa hai nước trong năm nay có thể đạt 135 tỷ USD.

“Né” phòng vệ thương mại cách nào?

Mỹ là thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao, nhất là với nông sản, nhưng doanh nghiệp làm ăn chuẩn chỉnh, đáp ứng các tiêu chuẩn của nhà mua hàng thì không lo thiếu cơ hội.

- Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Vina T&T Group

Bối cảnh xuất khẩu tăng tốc, thì hàng hóa Việt Nam cũng đối mặt với nhiều vụ việc phòng vệ thương mại của Mỹ.

Tính đến tháng 6/2024, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt hơn 250 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường. Trong đó, Mỹ đã tiến hành điều tra 64 vụ việc điều tra với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam (chiếm 25%).

Riêng năm 2023, trong tổng số 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng với hàng hóa xuất khẩu nước ta, thì Mỹ khởi xướng điều tra nhiều nhất, với 7 vụ việc.

Tuy nhiên, đây là vấn đề tất yếu trong thương mại hàng hóa quốc tế. Ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) lý giải: “Mỹ có hệ thống pháp luật cực kỳ chặt chẽ về điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ. Mỹ điều tra nhiều với hàng hóa từ tất cả các nước, chứ không riêng Việt Nam. Với những quốc gia có lượng hàng xuất khẩu lớn vào Mỹ, thì tần suất vụ việc phòng vệ sẽ lớn hơn”.

“Vấn đề của chúng ta là vượt qua được thách thức để giữ được thị trường xuất khẩu, thúc đẩy thương mại hai chiều tiếp tục phát triển bền vững thông qua việc đáp ứng quy định, tuân thủ đúng quy định của luật pháp Mỹ, tăng cường cạnh tranh cho hàng hóa bằng chất lượng, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm, tránh cạnh tranh về giá để hạn chế nguy cơ vào tầm ngắm điều tra áp dụng phòng vệ thương mại”, ông Trung nói.

Cùng với đó, tăng cường sử dụng các nguyên liệu được sản xuất trong nước hoặc từ các nguồn cung cấp không bị nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch; duy trì hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế; lưu giữ đầy đủ hoá đơn, chứng từ; không tiếp tay cho các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ để tránh phải đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Để hạn chế tối đa hàng xuất khẩu bị khởi kiện, Bộ Công thương đã duy trì cảnh báo với danh mục các mặt hàng cụ thể. Dựa vào danh sách này, doanh nghiệp có thể biết được mặt hàng nào đang bị cảnh báo để chủ động “né”.

Phòng vệ thương mại là hoạt động thông thường trong thương mại quốc tế, song khó cho doanh nghiệp Việt là Mỹ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, có nghĩa rằng, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp, bởi chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam không được dùng để tính toán biên độ phá giá, mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba.

“Vì lẽ đó, trong các vụ việc cụ thể, doanh nghiệp Việt cần xác định theo đuổi để chứng minh với cơ quan chức năng của Mỹ về các cáo buộc bán phá giá là chưa chính xác, cung cấp thông tin, dữ liệu về hoạt động sản xuất và cạnh tranh đang diễn ra công bằng, trong môi trường bình đẳng…”, đại diện Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị.

Tin bài liên quan