Ngoài thủy sản, dệt may…, đồ gỗ cũng là ngành hàng mà Việt Nam có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng sang châu Mỹ.
Xuất khẩu sang châu Mỹ lập kỷ lục
Thị trường châu Mỹ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam. Xuất khẩu sang khu vực này tạo dấu ấn tích cực khi tăng trưởng gần 22% sau 7 tháng đầu năm 2022, đạt gần 77 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Mỹ là điểm sáng, với kim ngạch 66,7 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ.
Trước đó, sự tăng tốc của hàng hóa Việt Nam sang châu Mỹ đã được ghi dấu đậm nét trong năm 2021 khi toàn cầu chịu tác động nặng nề từ đại dịch, với kim ngạch xuất khẩu đạt 114 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2020. Đây cũng là khu vực thị trường Việt Nam xuất siêu lớn với giá trị xuất siêu năm qua gần 89 tỷ USD.
Riêng xuất khẩu sang Mỹ năm 2021 đạt trên 96 tỷ USD, tăng 21 tỷ USD so với năm 2020. Mỹ đang dẫn đầu các thị trường xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch vượt xa các thị trường xuất khẩu lớn khác như Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ngoài ra, nhiều thị trường mới có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam tại châu Mỹ đều tăng nhập hàng từ Việt Nam. Theo đó, năm 2021, xuất khẩu sang Canada đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2020 và tăng 75% so với thời điểm trước khi có CPTPP; Mexico là 4,6 tỷ USD, tăng trên 100% so với thời điểm trước khi có CPTPP. Trong 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sang Canada đạt 3,23 tỷ USD, tăng 31,5%; Mexico đạt 2,4 tỷ USD, tăng 14,2%...
Dự báo xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ cả năm 2022 có thể đạt 130-135 tỷ USD, trong đó xuất sang Mỹ sẽ vượt 100 tỷ USD, còn các thị trường mới có FTA như Canada, Mexico, Peru… tiếp tục tăng trưởng 2 con số.
Nguồn: Bộ Công thương
Bà Võ Hồng Anh, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) khẳng định, ngoài thị trường Mỹ khổng lồ, xuất khẩu sang nhiều thị trường châu Mỹ đang tăng rất mạnh nhờ tận dụng CPTPP, đặc biệt với 3 thị trường mới có FTA đầu tiên gồm Canada, Mexico, Peru…
Thủy sản, đồ gỗ, dệt may, giày dép, nông sản, điện tử… là những ngành hàng mà Việt Nam có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng sang khu vực châu Mỹ. Năm 2021, xuất khẩu dệt may đạt gần 18 tỷ USD; giày dép hơn 8 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác gần 20 tỷ USD…
Dẫn chứng những mặt hàng xuất khẩu vừa tăng cao, vừa tận dụng tốt ưu đãi thuế quan tại một thị trường trong khối là Canada, bà Hồng Anh cho biết, ngành tôm đã tận dụng CPTPP rất hiệu quả. Năm 2020, xuất khẩu tôm sang Canada đạt 187 triệu USD, tăng 23% so với năm 2019; năm 2021 tăng 18% so với năm 2019, đạt 180 triệu USD; nửa đầu năm 2022 đạt hơn 100 triệu USD, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo cam kết CPTPP, đến thời điểm ngày 1/1/2021, Canada đã xóa bỏ thuế quan tới 96,3% tổng số dòng thuế cho các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Một số ít dòng thuế quan còn lại sẽ được xóa bỏ muộn nhất đến năm 2029, hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan (96 dòng thuế thuộc các nhóm thịt gà, trứng và các sản phẩm từ sữa).
Như vậy, hầu hết các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện thoại, dệt may, giày dép, đồ gỗ, sắt thép, nhựa, thủy sản, rau quả… đã có thể tiếp cận thị trường Canada với mức thuế bằng 0%.
Nâng cao hàm lượng giá trị hàng xuất khẩu
Xuất khẩu sang châu Mỹ tăng trưởng cao, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước gần 340 tỷ USD trong năm 2021 và trên 200 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2022, nhưng về tổng thể, các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao của Việt Nam sang thị trường khu vực châu Mỹ vẫn chưa lớn.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, xét về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ, nhóm hàng điện thoại, máy vi tính, máy móc, thiết bị điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất (43,3%); tiếp đó là dệt may, da giày (25%), gỗ và sản phẩm từ gỗ (8%); nông thủy sản (4%). Tuy nhiên, đóng góp của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tổng trị giá xuất khẩu vẫn là chính yếu.
Tỷ trọng hàng xuất khẩu của khu vực công nghiệp nội địa Việt Nam sang châu Mỹ còn khiêm tốn. Đa số sản phẩm mới chỉ dừng ở gia công lắp ráp cho nước ngoài, giá trị gia tăng chưa cao. Hàm lượng chế biến trong các sản phẩm xuất khẩu cũng chưa cao (các sản phẩm nông thủy sản chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm đông lạnh…), dẫn tới giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường.
Chẳng hạn, tại Canada, nếu tính cả dệt may, da giày, đồ gỗ, thì khu vực FDI đóng góp tới gần 80% giá trị xuất khẩu, trong khi sản phẩm dệt may, da giày, gỗ nội thất của doanh nghiệp Việt chỉ chiếm khoảng 5%.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam còn khó khăn trong tiếp cận hệ thống phân phối tại các nước sở tại, phải đối mặt với thách thức lớn hơn về các vụ kiện chống bán phá giá và khoảng cách địa lý xa xôi ảnh hưởng lớn đến chi phí, thời gian vận chuyển. Trong đó, Mỹ Latinh là khu vực có khoảng cách và thời gian vận chuyển lớn nhất, với thời gian trung bình là 2 tháng. Điều này trực tiếp làm hạn chế việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam, giảm tính cạnh tranh về giá.
Bà Hồng Anh cho rằng, để khai thác thực chất CPTPP, giá xuất khẩu tốt hơn, doanh nghiệp cần chú trọng gia tăng giá trị cho sản phẩm qua việc cải tiến quy trình sản xuất, phù hợp tiêu chí, thị hiếu và các yêu cầu của thị trường; đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ trong quy trình sản xuất, coi trọng sản phẩm xanh.., quá trình sản xuất giảm phát thải.