Thị trường chủ lực
“Chúng tôi sẽ tiếp tục chinh phục Mỹ, Australia, Nhật Bản… để gia tăng sản lượng xuất khẩu trong thời gian tới, khi các dây chuyền của nhà máy sản xuất mới chạy hết công suất”. Ông Phan Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Phúc An Nhiên (TP.HCM) đã cho biết như vậy khi nói về câu chuyện khai thác thị trường xuất khẩu.
APEC hiện chiếm 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu của Việt Nam. Trong ảnh: Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Dệt kim Đông Xuân.
Ba thị trường được ông Kiên nhắc tới hiện đang chiếm 70% trong tổng giá trị xuất khẩu bún, phở khô, miến khô và bánh tráng các loại của Phúc An Nhiên.
Tại nhiều doanh nghiệp khác, tỷ trọng nắm giữ của các thị trường lớn này cũng có phần tương tự bởi cơ cấu xuất khẩu hàng hóa Việt Nam hiện đang tập trung vào một số thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... - những nền kinh tếcó quy mô lớn trong APEC.
Trong 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã có 8 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt trên 1 tỷ USD.
Dẫn đầu là dệt may với kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 9,25 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 30% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ. Đây cũng là thị trường lớn nhất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ đạt 11,45 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2015, chiếm tỷ trọng 48% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) khẳng định, tăng trưởng xuất khẩu dệt may hầu hết là nhờ vào các thị trường chính yếu thuộc các nền kinh tế APEC, lần lượt là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong khi đó, giày dép xuất khẩu sang Mỹ 9 tháng qua đạt 3,76 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 12% tổng trị giá hàng hóa Việt Nam sang Mỹ.
Điện thoại các loại và linh kiện dù giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước vẫn duy trì kim ngạch 2,89 tỷ USD.
Chớp thời cơ tăng xuất khẩu
Theo Bộ Công thương, APEC với 21 nền kinh tế thành viên, chiếm 59% dân số, hơn 50% GDP và 57% thương mại toàn cầu là thị trường đặc biệt rộng lớn và tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và khai thác. Các nền kinh tế APEC hiện chiếm 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu của Việt Nam.
Xu hướng thúc đẩy tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại trong APEC đã mở ra nhiều cơ hội to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, thực tế những năm qua đã cho thấy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tận dụng tương đối hiệu quả cơ hội tiếp cận và khai thác thị trường châu Á - Thái Bình Dương mang lại từ hợp tác APEC, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nền kinh tế thành viên không ngừng tăng lên, từ 98,37 tỷ USD trong năm 2014 đã tăng lên trên 119,69 tỷ USD trong năm 2016.
Cũng theo thống kê của Bộ Công thương, hiện 13/15 các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam là được ký với 18 nền kinh tế thành viên APEC. Bảy nền kinh tế thành viên APEC hiện nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam lần lượt là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông - Trung Quốc, Malaysia và Singapore.
Đơn cử, nhờ chớp thời cơ xuất khẩu, 8 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu mặt hàng thủy hải sản Việt Nam sang Hàn Quốc đạt hơn 475 triệu USD, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu thủy hải sản truyền thống ngày càng khó tính, thị trường Hàn Quốc dường như cởi mở hơn với các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Công ty cổ phần Nha Trang Seafoods - F17 cho biết, nửa đầu năm nay, giá trị xuất khẩu của Công ty sang thị trường Hàn Quốc đạt 20 triệu USD, trong tổng số 95 triệu USD xuất đi các thị trường khác. F17 có khoảng 2.000 công nhân, doanh thu thuần năm 2016 đạt 1.107 tỉ đồng, tăng 37,9% so với năm 2015.
“Hàn Quốc tiếp tục là thị trường trọng tâm để gia tăng xuất khẩu của Công ty trong 2017-2018 và những năm tiếp theo”, đại diện Công ty nói.