Còn theo thống kê của Hội Tin học Việt Nam, hiện cả nước có 1.000 doanh nghiệp phần mềm, tăng gần 7 lần so với năm 2000, với số lượng nhân lực gần 80.000. Doanh thu từ dịch vụ phần mềm năm 2013 của Việt Nam đạt hơn 1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 20-25%.
Hiện có hơn 100 doanh nghiệp của Hiệp hội đang tham gia xuất khẩu phần mềm. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn như FPT, Tinh Vân, TMA Solutions… đã gặt hái được nhiều thành công tại các thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Nhật Bản.
Ông Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch Công ty FPT IS cho biết, làn sóng thứ 2 xuất khẩu giải pháp phần mềm mang trí tuệ Việt, do người Việt phát triển xuất ra nước ngoài bắt đầu hình thành từ 1-2 năm nay và FPT là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này.
“Trước đó, cơ hội này rất ít, mỗi năm chỉ đạt doanh thu 5 - 8 triệu USD. Nhưng đến tháng 7/2013, Công ty nhận được cơ hội khoảng 50 triệu USD, sau đó tăng lên 70 triệu USD vào tháng 9/2013; 90 triệu USD vào tháng 11/2013 và 120 triệu USD vào tháng 12/2013. Năm 2014, chỉ tính đến ngày 21/2, FPT đã thắng thầu trên 15 triệu USD và dự kiến hết năm 2014, con số này có thể lên tới 150 triệu USD”, ông Bảo cho biết.
Không chỉ các “đại gia” có doanh thu khủng từ xuất khẩu phần mềm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chiếm được miếng bánh xuất khẩu phần mềm, với doanh thu hơn 100 triệu USD trong năm 2013.
Thị trường gia công xuất khẩu phần mềm còn rất nhiều tiềm năng, nhất là khi các công ty lớn, tập đoàn đa quốc gia đang có xu hướng thuê làm gia công phần mềm, thay vì tự đầu tư bộ phận riêng chuyên làm những phần việc này. Với ưu điểm về giá rẻ, nhân lực dồi dào, thương hiệu xuất khẩu phần mềm Việt Nam ngày càng được nhiều khách hàng quốc tế biết đến và lựa chọn.
Cơ hội lớn, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải xử lý nhiều vấn đề. Ông Đỗ Cao Bảo cho rằng, thách thức của các doanh nghiệp làm phần mềm trong nước không phải vì năng lực, mà do thiếu nguồn lực, thiếu kinh nghiệm và chưa dũng cảm thâm nhập thị trường quốc tế.
Theo ông Nguyễn Ích Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu phần mềm Tinh Vân, tuy Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường, tăng quy mô và chiều sâu trong hợp tác CNTT với Nhật Bản, nhưng để nắm bắt được làn sóng này, các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định chiến lược lâu dài và khác biệt. Chiến lược đó tại Tinh Vân là việc chủ động đầu tư lâu dài vào phát triển nhân sự, các khóa đào tạo nội bộ, để xây dựng và phát triển đội ngũ nhân sự mobile, đáp ứng nhu cầu công nghệ, yêu cầu khắt khe của khách hàng.