Xuất khẩu phân bón tháng 1/2023 giảm 62,78% kim ngạch so với cùng kỳ

Xuất khẩu phân bón tháng 1/2023 giảm 62,78% kim ngạch so với cùng kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong tháng 1/2023, xuất khẩu phân bón giảm 43,7% về lượng, giảm 62,78% kim ngạch và giảm 33,8% giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Campuchia vẫn là thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2023, cả nước xuất khẩu 127.233 tấn phân bón các loại, tương đương hơn 63,91 triệu USD, giá trung bình 502,2 USD/tấn, giảm 3,8% về khối lượng, giảm 1,7% về kim ngạch nhưng tăng 2,1% về giá so với tháng 12/2022. So với tháng 1/2022, xuất khẩu phân bón giảm mạnh 43,7% về lượng, giảm 62,78% kim ngạch và giảm 33,8% giá.

Campuchia vẫn là thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất của Việt Nam, chiếm 26,1% trong tổng khối lượng và chiếm 25,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 33.258 tấn, tương đương 16,43 triệu USD, giá trung bình ở mức 494 USD/tấn. Tuy nhiên, xuất khẩu đã giảm 25,2% về lượng, giảm 28,2% kim ngạch và giảm 4% về giá so với tháng 12/2022. So với tháng 01/2022 cũng giảm 6,5% về khối lượng, giảm 4,2% về kim ngạch, nhưng tăng 2,4% về giá.

Đứng thứ hai là thị trường Philipines, đạt 2.880 tấn, tương đương 2,09 triệu USD, chiếm trên 2,3% trong tổng khối lượng và chiếm 3,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước. Trong đó, giá trung bình đạt 727 USD/tấn, giảm 56% về lượng, giảm 58,2% kim ngạch và giảm 4,8% về giá so với tháng tháng trước.

Thứ ba là thị trường Malaysia với 6.081 tấn, tương đương 1,74 triệu USD, chiếm 4,8% trong tổng khối lượng và 2,7% trong tổng kim ngạch, với giá trung bình 286,7 USD/tấn, tăng 19,47% về lượng và tăng 5,26% kim ngạch.

Thứ tư là thị trường Hàn Quốc đạt 4.352 tấn, tương đương 1,65 triệu USD, chiếm 3,4% trong tổng khối lượng và chiếm 2,6% trong tổng kim ngạch. Giá phân bón xuất khẩu trung bình đạt 378,6 USD/tấn, tăng mạnh 123,9% về lượng, tăng 61% kim ngạch, nhưng giá giảm 28%.

Ngoài ra, Myanmar, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Đài Loan (Trung Quốc) và Angola cũng lần lượt là các thị trường tiêu thụ phân bón lớn của Việt Nam trong tháng 1 vừa qua.

10 quốc gia tiêu thụ phân bón lớn nhất của Việt Nam trong tháng 01/2023.

10 quốc gia tiêu thụ phân bón lớn nhất của Việt Nam trong tháng 01/2023.

Ở một diễn biến khác đang được quan tâm, mới đây, cử tri nhiều tỉnh thành đã đề nghị Bộ Tài chính sớm tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, sửa đổi, bổ sung Luật sửa đổi các Luật về thuế số 71/2014/QH13 để trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến theo hướng: đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), với mức thuế suất hợp lý, để khấu trừ thuế các nguyên, vật liệu đầu vào và tăng thuế xuất khẩu phân bón.

Hiện nay, phân bón không nằm trong danh mục các mặt hàng chịu thuế tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các sản phẩm phân bón nhập khẩu và sản phẩm phân bón sản xuất trong nước. Cùng với đó, sản xuất phân bón nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Theo đó, Bộ Tài chính đang nghiên cứu lập đề nghị xây dựng đề án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), trong đó có nội dung sửa đổi chính sách VAT đối với mặt hàng phân bón, để đăng ký vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tin bài liên quan