Ba thách thức lớn
Có ba thách thức mà ngành nông sản Việt Nam đang phải đối mặt. Thứ nhất, năng suất lao động thấp, tổ chức sản xuất nông nghiệp có quy mô nhỏ lẻ.
Thứ hai, Việt Nam là một trong 5 vùng bị tổn thương lớn nhất về các cơn bão, áp thấp, biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu mỗi năm gây thiệt hại 1 - 2 tỷ USD, ảnh hưởng nặng nề tới nông dân và nông thôn.
Thứ ba, hội nhập thương mại tự do vừa tạo cơ hội, vừa tạo thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi trình độ khoa học công nghệ chưa cao, năng suất thấp, giai đoạn đầu khó cạnh tranh.
“Đây là ba thách thức rất lớn. Không còn là câu chuyện sản xuất để ăn nữa, mà là sản xuất để bán vào hai thị trường. Thị trường thứ nhất là nội địa gần 100 triệu dân, với tỷ lệ đô thị hóa hơn 40%, yêu cầu chất lượng cao hơn.
Thị trường thứ hai là thị trường toàn cầu 7,5 tỷ dân, có nhiều đòi hỏi về tiêu chuẩn, thời gian, chủng loại, chất lượng… Mặc dù thách thức lớn, nhưng phải khẳng định, nông nghiệp Việt Nam vẫn phải phát triển, đó là nhu cầu, thực tế tất yếu. Không con đường nào khác, ngành nông nghiệp Việt Nam phải thích ứng để phát triển, xây dựng các liên kết chuỗi sản xuất khép kín”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói.
Bài học từ liên kết chuỗi
Năm 2018, vải thiều Bắc Giang đã thắng lớn cả về sản lượng và giá trị nhờ sự chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu vụ. Tỉnh Bắc Giang đã khuyến khích người dân trồng vải ứng dụng quy trình sản xuất an toàn để có năng suất, chất lượng cao, đồng thời chủ động tiến hành công tác xúc tiến thương mại, tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải tại Trung Quốc, thu hút nhiều doanh nghiệp nước bạn tham gia.
Kết quả, vải thiều Bắc Giang đạt sản lượng đạt 215.800 tấn, tổng giá trị ước đạt 5.755 tỷ đồng, tăng 124.300 tấn và 448 tỷ đồng so với sản lượng và giá trị của vụ vải thiều năm 2017. Trong đó, lượng vải thiều tươi xuất khẩu đạt 97.100 tấn (chiếm 45% tổng sản lượng), giá trị xuất khẩu ước đạt 170,5 triệu USD
“Bài học thành công của vải thiều Bắc Giang là minh chứng điển hình cho câu chuyện liên kết từ vùng nguyên liệu đến tiêu thụ, tạo ra sự thành công lớn. Câu chuyện vải Lục Ngạn với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, bà con nông dân, chúng ta làm nên vụ vải thắng lợi”, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia cố vấn Chương trình Thương hiệu Quốc gia, cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho mỗi sản phẩm nông sản Việt Nam.
Năm 2018, nông sản Việt Nam xuất khẩu đem về 40 tỷ USD. Năm 2019, ngành nông nghiệp kỳ vọng sản phẩm này sẽ đem lại 42 - 43 tỷ USD.
Hiện nay, hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam đang được xuất khẩu sang 180 nước và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới, với 10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 6 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD (tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng rau quả, hạt điều, cà phê, gạo).
Việt Nam đã tham gia và ký kết 12 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), tới đây có 4 FTA dự kiến được thông qua. Trong đó, việc tham gia Hiệp định đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) đã tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp.
Các doanh nghiệp đã ý thức được điều này, kiểm duyệt từ vùng nguyên liệu đến đưa công nghệ vào sản xuất. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco đã đầu tư phát triển chuỗi giá trị kép kín một cách đồng bộ ngay từ khâu nguyên liệu sản xuất đến khâu cuối cùng là chế biến, đóng gói và đưa ra thị trường theo mô hình chuỗi giá trị 3F (Farm - Feed - Food), sạch từ trang trại đến bàn ăn.
Vinacafe kiến nghị, tiêu thụ nông sản cần gắn với liên kết sản xuất, công tác chế biến và giải quyết vấn đề về hạ tầng thương mại. Trong khâu sản xuất và chế biến, các doanh nghiệp phải lấy chế biến sâu làm định hướng phát triển.
Chuyển từ bán cà phê thô sang cà phê rang xay, cà phê hoà tan và các chế phẩm khác từ cà phê. Chỉ khi đưa được hàm lượng công nghệ và chất xám vào hạt cà phê, mới gia tăng được giá trị cho cà phê Việt Nam.
Tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh đã xây dựng và hình thành được 18 mô hình liên kết đầu tư sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, tạo nên chuỗi giá trị hàng hóa nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đem lại hiệu quả, giúp nông dân chủ động trong khâu sản xuất, mạnh dạn đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật.
Bình Thuận đang xúc tiến, phối hợp với Công ty cổ phần Nafoods Group dự kiến đầu tư phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thanh long an toàn, hữu cơ theo chuỗi giá trị với quy mô 10.000 ha, trong đó có 60% sản xuất theo hướng GlobalGAP, 40% sản xuất hữu cơ để phục vụ xuất khẩu; xây dựng vùng sản xuất thanh long của Công ty với quy mô đầu tư 200 - 500 ha, trong đó 80 ha theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đầu tư 10 ha xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh và kho vật tư phục vục sản xuất, tiêu thụ thanh long.