Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Xuất khẩu nông sản ngày càng cạnh tranh khốc liệt

Nhiều đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV lo ngại trước khó khăn của hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường vẫn tin rằng, nếu cố gắng, thì ngành nông nghiệp vẫn có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 3% trong năm 2019.

Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đều nhận định, việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế năm nay gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi. Ông có đồng tình với nhận định này không?

Nổi lên trong bức tranh tổng thể vĩ mô kinh tế năm nay có 2 điểm tác động cực kỳ lớn đến Việt Nam.

Thứ nhất, kinh tế thế giới tiếp tục đà suy giảm, tất cả các định chế tài chính đều dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm. Đơn cử, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo mức tăng trưởng toàn cầu năm 2019 xuống 3,5%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Đáng lưu ý, đây là lần đầu tiên IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới kể từ tháng 7/2016.

Thứ hai là bảo hộ mậu dịch, bảo hộ sản xuất bằng hàng rào phi thuế quan, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đây là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa 2 cường quốc kinh tế thế giới, nên khó có thể đi đến hồi kết trong một sớm một chiều.

Quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam gấp 2 lần GDP, nên khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, xu hướng bảo hộ gia tăng, căng thẳng thương mại giữa 2 cường quốc là đối tác thương mại lớn nhất sẽ khiến nền kinh tế nước ta bị tổn thương, tạo ra sức ép lên phát triển kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu.

Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu tác động thế nào trước 2 bất lợi mà ông vừa nêu trên?

Có thể nói, lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã “ngấm đòn” từ xu hướng bảo hộ mậu dịch, kinh tế thế giới giảm tốc và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Nhìn vào hoạt động xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2019, có thể thấy tác động kể trên: kim ngạch xuất khẩu ước đạt 100,74 tỷ USD, chỉ tăng 6,7%, trong khi cùng kỳ năm 2017 và 2018 tăng 19% và 17,5%. Đáng chú ý là, xuất khẩu một số mặt hàng nông sản  tiếp tục giảm về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh tốc độ kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các nước trên thế giới và khu vực giảm trong 5 tháng đầu năm, thì Việt Nam vẫn tăng trưởng xuất khẩu chung được 6,7%; xuất khẩu nhóm hàng nông sản vẫn tăng trưởng. Đây là cố gắng rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Thực tế cho thấy, cạnh tranh xuất khẩu nông sản năm 2019 và các năm sau ngày càng khốc liệt, thưa ông?

Đúng vậy. Tôi lấy ví dụ về xuất khẩu mặt hàng gạo - mặt hàng xuất khẩu chủ lực và Việt Nam có thế mạnh trên thị trường quốc tế.

Năm 2016, do tác động bởi El-Nino, sản xuất lúa gạo trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nên năm 2017, nhiều nước phải xuất gạo dự trữ để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Vì vậy, năm 2018, hàng loạt nước phải nhập khẩu gạo để dự trữ, trong đó có bạn hàng nhập khẩu gạo lớn nhất của nước ta là Trung Quốc. Nhờ đó, giá gạo bán ra của Việt Nam bình quân lên tới 436 USD/tấn - mức giá bán cao nhất từ trước đến nay.

Nhưng năm nay, yếu tố này không còn nữa, cộng thêm việc có nhiều nước bắt đầu tham gia thị trường xuất khẩu gạo, đặc biệt là Trung Quốc, vốn là một nước nhập khẩu gạo lớn nhất trên thế giới, nên cạnh tranh sẽ trở nên vô cùng khốc liệt.

Các mặt hàng nông sản, thủy sản, rau quả khác cũng tương tự, rất nhiều nước đã áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, nuôi trồng các loại cây, con mà Việt Nam có thế mạnh, nên sẽ giảm nhập khẩu và sớm tham gia thị trường xuất khẩu. Cạnh tranh xuất khẩu nông sản, thủy sản trên thế giới vì thế ngày càng trở lên khốc liệt.

Trước những diễn biến bất lợi nêu trên, ngành nông nghiệp có bị bất ngờ không?

Chúng tôi đã chủ động đưa ra các kịch bản để ứng phó trước những bất lợi kể trên. Năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng GDP 7,08%. Tuy nhiên, dự báo được khó khăn của thị trường xuất khẩu cũng như sản xuất trong nước diễn biến phức tạp, năm 2019, chúng tôi đã chủ động giảm mục tiêu tăng trưởng của khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản xuống còn 3%.

Ngay cả dịch tả lợn châu Phi - một dịch bệnh vô cùng nguy hiểm, lây lan rất nhanh, tác động vô cùng lớn đến ngành chăn nuôi, và chưa có vắc xin phòng, chống bệnh, chúng tôi cũng không hề bất ngờ. Ngày 23/8/2018, khi trên thế giới bắt đầu xuất hiện dịch bệnh này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị phòng, chống dịch bệnh.

Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị 34-CT/TW (ngày 20/5/2019) về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra còn có hàng trăm văn bản chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch tả lợn châu Phi từ Trung ương đến địa phương. Có thể nói, cả hệ thống chính trị đã chủ động vào cuộc phòng, chống căn bệnh vô cùng nguy hiểm này.

Ông có tin rằng, năm 2019, ngành nông nghiệp vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng 3%?

Năm nay, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 3%, trong đó, quý I tăng 2,97%; quý II tăng 2,56%; quý III tăng 3,12% và quý IV tăng 3,36%. Quý I năm nay, ngành nông nghiệp tăng trưởng 2,68%, nhưng đây là sự cố gắng rất lớn.

Trong quý I, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là nông nghiệp và xuất khẩu khó khăn như vậy, nhưng ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng 2,68%, chỉ thấp hơn 0,29 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 3% trong năm nay là vô cùng khó khăn, song tôi tin rằng, ngành nông nghiệp hoàn toàn có thể đạt mục tiêu này.

Tin bài liên quan