Xuất khẩu thủy sản ghi nhận dấu hiệu hạ nhiệt, tăng trưởng chậm lại.
Dấu hiệu giảm tốc
Không còn là dự báo, hoạt động xuất khẩu của một số ngành hàng tỷ USD, thậm chí chục tỷ USD đã có sự sụt giảm đáng kể trong tháng 7/2022. Theo số liệu của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đã giảm 7,7% so với tháng 6, đạt 30,3 tỷ USD chủ yếu do sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức giảm tương ứng là 7,4% và 7,2%.
Đây cũng là tháng thứ hai, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo suy giảm (tháng 6 đã giảm 9,1% so với tháng 5). Giảm nhiều nhất là phân bón các loại, giảm 33,3%; tiếp đến là sắt thép các loại giảm 23,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 22,6%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 15,4%.
Đồng thời, sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chiến lược khác như: xơ, sợi dệt các loại giảm 16,4%; gỗ và các sản phẩm gỗ giảm 7,5%; giày dép các loại giảm 2,7%; dây điện và cáp điện giảm 2,3%... đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu chung của nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuống 16,1%.
Xuất khẩu thủy sản cũng ghi nhận dấu hiệu hạ nhiệt, tăng trưởng chậm lại. Sau nhiều tháng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, xuất khẩu thủy sản trong tháng 7/2022 chững lại, giảm so với tháng 6, chỉ đạt mức dưới 1 tỷ USD.
Nếu xuất khẩu thủy sản tăng 34% trong tháng 5 và tăng 18% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm 2021, thì tháng 7 giảm tốc mạnh hơn, đạt 970 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 4% so với tháng 6/2022.
Chỉ ra nguyên nhân khiến xuất khẩu thủy sản giảm tốc từ tháng 5 đến nay, bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại Vasep cho biết, thời tiết bất lợi, mưa sớm hơn so với mọi năm làm ảnh hưởng đến sản lượng thủy sản, gây ra dịch bệnh trên tôm nuôi, khiến sản lượng tôm giảm, đồng thời nguồn hàng dự trữ từ năm ngoái cũng đã cạn dần.
Dù sự suy giảm trên chưa ảnh hưởng đến xuất khẩu của cả nước trong 7 tháng, nhưng nếu không chặn được đà giảm, sẽ kéo giảm tốc độ tăng trưởng của những tháng tới. Đơn cử, nếu 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 17%, thì sau 7 tháng chỉ còn 16,1%.
Nhưng không quá lo
Trước những rủi ro hiện hữu tác động đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu, Bộ Công thương cho hay, toàn ngành vẫn tập trung để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 8%. Sự giảm tốc của một số ngành hàng trong tháng 7 chưa đáng lo ngại.
Thực tế, hoạt động giao thương quốc tế vẫn được duy trì liền mạch trong điều kiện bị tác động mạnh bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng, vận chuyển, chi phí logistics leo thang. Nhờ đó, xuất khẩu năm 2020 và 2021 vẫn tăng lần lượt 6,5% và 19%, 7 tháng đầu năm 2022 tiếp tục tăng 16,1%, đạt hơn 216 tỷ USD.
Đơn đặt hàng đối với một số ngành hàng chủ lực như dệt may vẫn đầy tải tại một số nhà sản xuất lớn, đóng góp cao cho kim ngạch xuất khẩu cả nước. Ông Nguyễn Đăng Lợi, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân xác nhận, đơn hàng cho 2 xí nghiệp may của Công ty đã được lấp đầy đến hết tháng 12/2022. Với mảng dệt - nhuộm, công ty này đã đầu tư thêm 2 máy nhuộm công suất lớn để nâng sản lượng vải lên khoảng 350 tấn/tháng, gấp đôi sản lượng hiện tại.
“Việc đầu tư máy nhuộm có công suất lớn không chỉ giúp đơn vị tăng về quy mô, mà còn gỡ được ‘nút thắt’, tạo ra sự tương đồng về công suất giữa các loại máy trong cùng nhà máy, đồng thời giúp hợp lý hóa, tối ưu hóa quy trình sản xuất”, ông Lợi nhấn mạnh.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt gần 27 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Do đó, ngành kỳ vọng về đích năm nay với kịch bản cao 43,5 tỷ USD.
Về tổng thể, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, xuất khẩu vẫn đang có nhiều cơ hội tăng trưởng, với trợ thủ là 15 FTA đang có hiệu lực. Các doanh nghiệp đang tận dụng rất tốt các FTA này cho hoạt động xuất khẩu.
Trong 5 tháng cuối năm, Bộ Công thương tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới. Đồng thời, theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam, để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp.