Xuất khẩu kỳ vọng tỷ giá

Xuất khẩu kỳ vọng tỷ giá

(ĐTCK) Mặc dù biên độ tỷ giá vừa được điều chỉnh tăng thêm 1%, song với các DN xuất khẩu vẫn kỳ vọng vào tỷ giá tăng cao hơn so với biên độ vừa điều chỉnh.

> Doanh nghiệp thép xuất khẩu không lo tỷ giá biến động

Không điều chỉnh tiếp tỷ giá  

 

Tổng giám đốc một DN dệt may xuất khẩu trên địa bàn TP. HCM cho biết, trong bối cảnh tình hình xuất khẩu không mấy thuận lợi, do các thị trường nhập khẩu ngày càng có xu hướng đưa ra nhiều rào cản để bảo hộ kinh doanh trong nước, thì việc tỷ giá tăng là hết sức cần thiết để khuyến khích DN. Vì theo vị tổng giám đốc trên, tỷ giá đã ổn định và kéo dài quá lâu.

Xuất khẩu kỳ vọng tỷ giá ảnh 1Đối với DN xuất khẩu, tỷ giá biến động luôn được xem là yếu tố quyết định về lợi nhuận

Đáng chú ý, với xuất khẩu cao su, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng thêm biên độ 1% vừa qua đã góp phần gia tăng lợi nhuận không nhỏ. Điển hình, CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) được dự báo là một trong các công ty hưởng lợi từ việc tăng tỷ giá. Năm 2012, doanh thu xuất khẩu của DPR đạt gần 22 triệu USD, chiếm khoảng 36% tổng doanh thu của công ty. Ước tính doanh thu xuất khẩu trong năm 2013 của DPR có thể đạt khoảng 14 triệu USD. Do DPR gần như không có nợ vay USD, nên tỷ giá tăng thêm 1% thì lãi chênh lệch tỷ giá ước tính của DPR là khoảng 3 tỷ đồng. Vì thế, dự báo được đưa ra từ MayBank KimEng, khả năng lợi nhuận sau thuế của DPR trong năm 2013 sẽ lên 401 tỷ đồng. Cao su Phước Hòa (PHR), mặc dù kỳ vọng doanh thu xuất khẩu trong năm 2013 đạt 36 triệu USD, thấp hơn mức thực hiện của năm 2012 là 51 triệu USD, do giá cao su giảm. Nhưng nếu tỷ giá tăng 1%, thì phần lãi thu được từ việc chênh lệch tỷ giá của PHR sẽ là 7,5 tỷ đồng.

Vì thế, theo một chuyên gia trong lĩnh vực tiền tệ, tỷ giá tăng vừa qua đã tạo kỳ vọng đối với DN xuất khẩu. Các DN lĩnh vực này cho rằng, chủ trương của NHNN là ổn định tỷ giá trong biên độ 1 - 2% năm nay, nhưng từ đầu năm đến nay, tỷ giá chỉ mới tăng 1%. Tuy nhiên, trong lúc này nguồn ngoại tệ thu về thường được các DN bán lại cho ngân hàng, vì vòng quay của vốn chậm.

Việc tỷ giá được kiểm soát và ổn định trong một thời gian khá dài vừa qua được xem là một thành tựu của NHNN trong việc chống tình trạng đô la hóa của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, tỷ giá ổn định quá lâu sẽ không khuyến khích được các DN xuất khẩu. Vì với DN xuất khẩu, tỷ giá biến động luôn được xem là yếu tố quyết định về lợi nhuận.

“Ổn định tỷ giá không có nghĩa là ‘neo’. Vì nếu ‘neo’ quá lâu sẽ không khuyến khích được các DN xuất khẩu, nhất là các DN xuất khẩu thủy sản. Dẫn đến tình trạng tăng nội địa hóa. Do đó, theo tôi, nên điều chỉnh biên độ tỷ giá lên ít nhất 3% trong năm nay”, ông Lịch chia sẻ quan điểm về tỷ giá.

Trên thực tế, các DN xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ luôn được ngân hàng ưu đãi lãi suất cả tiền VND và USD. Thế nhưng, trước bối cảnh khó khăn của thị trường hiện nay, việc điều chỉnh tỷ giá tăng được các nhà nhập khẩu kỳ vọng nhiều hơn việc lãi suất được điều chỉnh giảm. Hiện lãi suất cho vay bằng tiền VND đối với DN xuất khẩu được một số ngân hàng đưa về mức khá thấp, chỉ còn 7%/năm tại Eximbank và dao động từ 8 - 9%/năm ở một số ngân hàng quy mô nhỏ hơn như OCB, HDBank. Còn lãi suất ngoại tệ chỉ bằng phân nửa và chỉ áp dụng cho các DN xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ mới được vay USD.

Tuy nhiên, nhu cầu vốn, nhất là đối với vốn ngoại tệ lại đang có xu hướng sụt giảm mạnh trong thời gian qua. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, 6 tháng đầu năm, tín dụng ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố giảm đến 14,9%.

Còn theo số liệu toàn ngành được NHNN công bố, đến cuối tháng 5, tín dụng tiền đồng của hệ thống tăng 5,48%, trong khi tín dụng bằng ngoại tệ lại giảm đến 8,41%.

Việc tín dụng ngoại tệ giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm được đánh giá là có một phần nguyên nhân do chính sách tác động. Bởi theo Thông tư 37/2012/TT-NHNN áp dụng từ đầu tháng 1/2013, chỉ các DN có nguồn thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh bằng ngoại tệ mới được vay ngoại tệ tại các ngân hàng, trừ các DN vay nhập khẩu xăng dầu.

Thế nhưng, theo lý giải của một lãnh đạo ngân hàng, tín dụng ngoại tệ giảm mạnh không hẳn chỉ vì hạn chế của Thông tư 37, mà chính là nhu cầu nhập khẩu thời gian qua giảm, cả đối với DN nhập khẩu và DN xuất khẩu.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, bài toán vốn luôn là vấn đề đặt ra với các DN. Chính vì vậy, đối với các DN lĩnh vực xuất khẩu, nguồn thu ngoại tệ sau khi đối tác chuyển về hầu hết sẽ được bán lại cho các ngân hàng, thay vì “ngâm” ngoại tệ trên tài khoản như trước. Nhưng theo đại diện một DN trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, việc điều chỉnh tăng thêm 1% biên độ tỷ giá vừa qua của NHNN đã phần nào khuyến khích được các DN lĩnh vực xuất khẩu.